Hãy chọn tôi và quên những ứng viên khác
Ngày đăng tin: 09/04/2019 09:11
Lời khuyên quan trọng nhất cho bạn trong vấn đề khó nghĩ này: Hãy nỗ lực nhiều hơn là chỉ viết ra câu nài nỉ trông có vẻ đầy tuyệt vọng mà lại kém thuyết phục như “hãy cho tôi một cơ hội”. Dưới đây là vài mẹo nhỏ được chia sẻ bởi Katie Douthwaite Wolf – một cây bút chuyên đưa ra những lời khuyên nghề nghiệp đăng trên The Muse,Forbes, Mashable, Business Insider, Inc., và Newsweek. Cùng Cevn.com.vn xem chúng có thể giúp ích cho bạn như thế nào nhé!
Đừng khiến nhà tuyển dụng chú ý đến sự thiếu hụt kiến thức và kỹ năng của bạn
Chìa khoá của toàn bộ quá trình này là không nhất thiết phải tập trung vào thuyết phục nhà tuyển dụng nên mạo hiểm chọn bạn, mà là khiến họ thực sự tin rằng bạn phù hợp với vị trí còn trống. Vì vậy, bài học đầu tiên dành cho bạn, trong khi nỗ lực tìm ra các yếu tố quan trọng để lấp đầy khoảng cách, là phải ngừng nói câu “xin lỗi vì tôi bị thiếu kỹ năng (hoặc kiến thức)”.
Bất kỳ khi nào bạn viết vào thư xin việc của mình những câu đại ý như “mặc dù tôi không có kinh nghiệm quản lý nhưng…”, “trước đây tôi chưa bao giờ phụ trách marketing…”, “nếu công ty dành cơ hội cho tôi…” là khi đó bạn đã nói với chuyên viên tuyển dụng rằng bạn không thể đảm nhiệm và hoàn tốt công việc.
Thay vì thu hút sự chú ý vào những điểm yếu, cách làm tốt hơn là nhấn mạnh năng lực của mình bằng cách nêu rõ những kỹ năng và khả năng đóng góp trực tiếp cho công ty”, nhà tư vấn nghề nghiệp Lily Zhang gợi ý. “Hãy giữ sự tích cực, tập trung vào thế mạnh và lập tức trao đổi những kỹ năng có thể chuyển đổi cũng như nhiệt huyết đối với vị trí đang tuyển dụng.”
Ví dụ như: tôi có khả năng làm việc đội nhóm tốt và thuyết phục các cộng sự và tôi tin rằng đây chính là tố chất của một người quản lý mà công ty của anh/chị đang tìm kiếm.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý là tránh việc nói suông mà cần có dẫn chứng cụ thể, vì vậy hãy chuẩn bị sẵn một vài tình huống mà bạn đã thực sự thành công khi làm việc với đội nhóm, bất kể là công việc chính thức trước đây hay là trong những dự án xã hội với vai trò tình nguyện viên, tất cả đều có thể là minh hoạ hữu ích và đem đến nhiều trọng lượng hơn cho lời thuyết phục của bạn.
Phô diễn những điều khiến mình khác biệt
Bất kể bạn đang chuyển đổi từ lĩnh vực gì sang hay sang lĩnh vực nào khác, bạn đều có thể sở hữu các kỹ năng có thể chuyển đổi.
Khéo léo trình bày những kỹ năng chuyển đổi đang sở hữu, bạn sẽ có một thư tự giới thiệu tuyệt vời cho thấy mình là ứng viên rất tiềm năng. Ví dụ, một người đang giữ vai trò quản lý thì không liên quan lắm đến các hoạt động marketing thực thụ, nhưng trong quá trình làm việc đã đáp ứng yêu cầu phải kết nối và tạo mối quan hệ với những doanh nghiệp khác trong cộng đồng, quản lý nhiều dự án cùng lúc, giao tiếp hiệu quả với khách hàng mục tiêu – tất cả những kinh nghiệm và kỹ năng này rất hữu ích trong vai trò của một người làm marketing. Tương tự như vậy, kỹ năng bán hàng hoàn toàn có thể giúp bạn tìm việc thành công.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia nghề nghiệp Sara McCord, chứng minh các kỹ năng phụ mà mình có cũng rất quan trọng. Điều này có nghĩa là bạn phải nắm bắt nền tảng sự nghiệp của bản thân và tìm ra cách thể hiện rằng nền tảng đó cực kỳ phù hợp với vị trí đang tuyển dụng một cách mạnh mẽ.
Hãy suy nghĩ: “Bạn không đạt tiêu chuẩn là có lý do của nó”. Nếu đã dành 2 năm đầu trong sự nghiệp của mình cho lĩnh vực khác, vậy kinh nghiệm bạn tích luỹ được từ đó là gì? Ví dụ như tác giả Sara McCord, khi bắt đầu muốn viết cho The Muse, cô hoàn toàn không có kinh nghiệm viết nhưng lại có bề dày kinh nghiệm quản lý, điều này biến cô ấy trở thành ứng viên thực sự lý tưởng để viết nội dung chia sẻ về nghệ thuật quản lý.
Thử mạo hiểm
Muốn được nhà tuyển dụng lựa chọn giữa một rừng ứng viên tiềm năng, đặc biệt khi chưa đạt đủ điều kiện như người khác, hãy mạo hiểm một chút để nổi bật hơn. Nếu không làm như thế, nhiều khả năng bạn cũng bị phớt lờ, đồng nghĩa với thất bại. Vậy tự hỏi mình xem: Bạn có mất gì khi mạo hiểm không? Dám mạo hiểm, bạn tự giành lại cho mình 50% cơ hội.
Một số gợi ý để khiến mình nổi bật hơn đối thủ. Chẳng hạn như dành thời gian tìm hiểu một vòng trên mạng về các hình thức nộp hồ sơ ứng tuyển độc đáo hoặc khác lạ, sau đó học hỏi để tuỳ biến nên một phiên bản đặc biệt và phù hợp nhất với mình. Ví dụ như trình bày CV kiểu infographic hoặc video, hay tạo ra hồ sơ tương tác (interactive resume), hồ sơ có mô hình hoặc ảnh tự hoạ nhằm nêu bật cá tính bản thân (action figure resume). Những dạng hồ sơ ứng tuyển như thế này chắc chắn thu hút được sự chú ý của nhà tuyển dụng, đồng thời truyền đi thông điệp rất rõ ràng rằng bạn là ứng viên sở hữu khả năng đặc biệt, có tư duy sáng tạo, biết cách tận dụng khả năng và sở thích của mình để thực hiện mục tiêu. Tuy nhiên, nhớ kiểm soát mọi thứ trong chừng mực, sáng tạo nhưng cần tỉnh táo để không đẩy mọi thứ đến mức lố lăng, kệch cỡm gây phản cảm.
Trường hợp bạn không muốn hoặc không đủ điều kiện để bản thân toả sáng theo gợi ý trên đây, hãy khiến mình vượt mặt đối thủ bằng những cách khác như: gửi hồ sơ ứng tuyển cùng với một dự án đề xuất; chuyển thể các đơn từ viết tay hoặc giấy in của mình thành dạng hồ sơ trực tuyến (online portfolio) sinh động, bắt mắt với đầy đủ thành tích đi kèm. Cách này khiến bạn nổi bật hơn trong mắt người sàng lọc hồ sơ, đủ cho họ thấy rằng bạn xứng đáng được nhìn nhận khác đi. Và tuyệt vời hơn nữa chính là một cơ hội tham dự phỏng vấn.
Làm những thứ khác thật đúng đắn
Bạn không được phép mắc sai lầm khi đã xác định hồ sơ của mình gần như nằm trong nhóm những ứng viên có xuất phát thấp. Điều này có nghĩa là phải làm mọi việc khác một cách đúng đắn: luôn rà soát CV và thư xin việc thật nhiều lần để phát hiện những sai sót, gửi thư cảm ơn đúng thời điểm, theo dõi tiến độ phản hồi kịp thời nhưng không phiền nhiễu...
Có thể nhiều người chỉ xem đây là hành động nhỏ nhặt không đáng kể, nhưng nên biết rằng, bất cứ sai sót dù rất nhỏ nào cũng có thể trở thành lí do hất chân bạn ra khỏi cuộc đua giành lấy công việc. Chắc chắn bạn không muốn tin xấu đó rơi vào mình.
Bằng cách chứng minh giá trị của mình thông qua các tài liệu ứng tuyển, bạn sẽ có cơ hội tốt hơn để giành lấy cơ hội đi phỏng vấn, và sau đó lại có thể trực tiếp thể hiện sự phù hợp về văn hoá lẫn niềm đam mê đối với công việc. Thực hiện tốt những gợi ý trên đây, tin rằng bạn sẽ có nhiều khả năng thành công hơn trong mục tiêu chinh phục nhà tuyển dụng mà không phải nói câu “Xin cho tôi cơ hội” nào nữa.