• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

128098
Tổng số truy cập:128098
Khách đang online: 88
Đừng hoá thành “bóng ma” trong mắt nhà tuyển dụng
Ngày đăng tin: 16/06/2019 17:08

Ai là “bóng ma”?

Người Mỹ sử dụng cụm từ khá thú vị là “ghosting” để chỉ hành động bất ngờ phớt lờ hay cắt đứt liên lạc, nó phù hợp khi diễn tả hầu hết mối quan hệ khác nhau trong xã hội. Bạn bỗng dưng biến mất như bóng ma chẳng lời giải thích, hoặc là bạn vẫn ở đó nhưng đối phương không thể liên lạc và biết chuyện gì đang xảy ra. Bất kể nguyên do là gì, hợp lý hay khó nói, cách hành xử đầy lảng tránh, chối bỏ này thực sự thiếu trách nhiệm và gây tổn thương. Ảnh hưởng xấu của nó cực kỳ lớn, và không ngoại trừ mối quan hệ tuyển dụng.
 
Ứng viên tìm việc, có thể chính bạn đã từng hoặc là bạn nhìn thấy người khác làm thế này: không xuất hiện trong buổi hẹn phỏng vấn; không đến công ty vào ngày làm việc đầu tiên; hoặc bỏ việc về ngang mà thậm chí chẳng để lại cho sếp bất kỳ dòng tin nhắn, cuộc điện thoại hay email từ chức nào cả.
 
Không, Thực lòng mà nói, những người sử dụng lao động cũng nhiều lần hành xử tương tự. Chúng ta chẳng ngạc nhiên khi biết vô số công ty hiện nay thường xuyên bị phàn nàn vì đã làm ngơ các yêu cầu cần thiết và hợp lý cho công việc của nhân viên, xem chuyện chậm trả lương không lý do như điều bình thường phải chấp nhận, hay nghiêm trọng hơn nữa tuỳ tiện sa thải người không báo trước. Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc ứng viên nên “đáp trả” lại với thái độ tương tự. Bạn cần nhớ rằng, biết đâu bạn có thể một lúc nào đó lại được phỏng vấn bởi một chuyên viên nhân sự trước đây bạn đã từng đột ngột cắt đứt liên lạc, tại một công ty khác, và chắc hẳn bạn sẽ không bao giờ muốn họ nhận ra mình với một hình ảnh từng rất thiếu chuyên nghiệp đúng không nào?
 

Nguyên nhân khiến quá nhiều “bóng ma” xuất hiện
 
Xu hướng “bóng ma” này dường như ngày càng làm xấu đi sự giao tiếp của cả hai phía. Có quá nhiều lý do khi phớt lờ, tôi không quan tâm, không chọn, không thích, không cần, và đặc biệt là cũng không sợ mất gì cả. Carlos Escobar, một chuyên gia về phát triển tổ chức và nguồn lực nhân sự, tình nguyện viên của Society for Human Resource Management (SHRM) nhận định rằng, cách hành xử như “bóng ma” ít khả năng xảy ra khi ai đó được tôn trọng. “Vẫn có vài ảnh hưởng từ công nghệ và đặc trưng thế hệ, tuy nhiên cốt lõi vấn đề là thiếu sự tin tưởng và nó đã được ủ trong khoảng thời gian rất dài.”
 
Escobar nói rằng, có lẽ các công ty đã chung tay tạo ra văn hoá này. Nếu các chuyên viên nhân sự hay phỏng vấn viên hôm nay đang cảm thấy bị xem thường vì một ứng viên “cho leo cây”, ngay thời điểm này họ suy nghĩ thế nào về trải nghiệm của rất nhiều người lao động từng bị đối xử lơ là như vậy? Họ có cảm thông hay rút ra kinh nghiệm gì khi biết không ít ứng viên đã từng bị chờ đợi hơn 60 phút so với giờ hẹn mới đặt chân vào được phòng phỏng vấn, hoặc nhận thư từ chối sau khi đã nộp đơn dự tuyển một công việc cách đó 3 tháng? Nhà tuyển dụng quá nhạy cảm khi vấn đề xảy ra với họ. Nhưng nếu hiểu được bản chất của vấn đề, sự phớt lờ đại diện cho cảm giác thiếu tôn trọng và liên kết, bạn sẽ không làm ngơ những người bạn đang muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và tin tưởng.
 
Tuy nhiên, cũng đừng quên “đóng góp” của những người tìm việc vào xu hướng này. Beth Zoller, cây bút chuyên cung cấp nội dung về nhân sự cho XpertHR, nói rằng “trong dòng chảy của nền kinh tế tự do và công nghệ phát triển, giá trị của sự trung tín bị giảm sút”. Mọi người dễ dàng lên mạng, nhanh chóng điền thông tin và gửi đơn ứng tuyển. Các giao tiếp và tương tác ít được cá nhân hoá đến mức gần như mất đi. Bạn không có sự kết nối và cũng chưa được động viên, sau đó bạn dễ dàng bỏ qua mà không có cảm giác áy náy. Sự phát triển của cách nghĩ này có cơ sở, nhưng hành động này không hề phù hợp.
 
Ngoài ra, trong một số trường hợp, xu hướng “bóng ma” sẽ được nhìn nhận như hệ quả của sự “đáp trả”, những người quá khứ trước đây thường bị phớt lờ bây giờ quay lại thực hiện hành vi tương tự.
 
 
Bạn không thích hoá “bóng ma”, vậy nên làm gì?
 
Xử trí thế nào khi đôi lúc bạn cũng thấy mình không đủ mạnh mẽ phấn đấu cho những điều tốt đẹp, muốn mọi thứ dễ dàng hơn với bản thân, và tự hỏi “sao tôi phải bận tâm về người khác”?
 
Điều được khẳng định ngay là bạn phải bận tâm và tiếp tục cố gắng, không phải cho người khác, trước tiên và sau cùng vẫn là vì chính bạn. Sự phớt lờ phản ánh thái độ vô cùng kém chuyên nghiệp. Bạn không bao giờ biết rủi may trong tương lai mình có đánh mất cơ hội được đánh giá tốt hay đề bạt chỉ vì hành động này.
 
- Đừng bỏ dự phỏng vấn. Hãy có mặt để kịp thời tiếp nhận cuộc điện thoại hoặc bước vào trò chuyện, và thể hiện mình là ứng viên thực sự có thể làm việc. Bạn không bị buộc phải nhận vị trí đó.
 
- Còn nếu bạn thực sự đã nhận công việc khác – cũng hãy xuất hiện, để cho đôi bên có cơ hội hiểu nhau hơn, hoặc đơn giản để giữ phép lịch sự khi nói rằng bạn đã thay đổi lựa chọn. Nhà tuyển dụng sẽ rất tôn trọng và biết ơn vì họ có thể sớm lên kế hoạch chọn người thay thế.
 
- Bạn ghét công việc mình vừa nhận. Đôi khi chúng ta rơi vào tình huống muốn nghỉ việc ngay tuần đầu tiên. Nhưng nếu đã đồng ý nhận một vai trò, dù chỉ là muốn thử độ phù hợp hoặc chưa thích nó lắm, bạn vẫn phải có trách nhiệm. Đừng ra ngoài ăn trưa rồi mãi mãi không quay về. Thay vào đó, bạn nên gom hết tất cả can đảm để có cuộc trao đổi chân tình, chia sẻ thẳng thắn với sếp. Tuy nhiên, trường hợp này cần suy nghĩ kỹ càng và tiến hành thận trọng, vì một công việc quá ngắn ngủi không phải là điểm sáng đáng khoe. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự liền mạch của CV, hoặc sẽ gây ra chút “cau mày” cho nhà tuyển dụng tương lai khi họ kiểm tra thông tin về lịch sử làm việc của bạn.
 
Hãy chuẩn bị vài cụm từ hữu ích, những câu nói phù hợp để kết thúc mối quan hệ trong không khí êm đẹp nhất. Nhìn từ góc độ công ty, đây không phải là cách tốt nhất, nhưng vẫn tốt hơn nhiều lần so với việc bạn đột nhiên im bặt và mất tích.
 
 
Đừng nói về bạn, hãy chia sẻ với họ!
 
Như trong mọi mối quan hệ khác, hãy chọn cách làm đúng đắn, có đạo đức, dễ chấp nhận nhất để không tổn hại đối phương, và cả mình nữa.
 
Thay vì kể về sự thất vọng của bản thân, Zoller khuyên hãy nói về các yêu cầu của nhà tuyển dụng. “Tôi xét thấy mình chưa phải là người tốt nhất để điền vào chỗ trống. Có thể ứng viên khác sẽ đáp ứng tốt và phù hợp hơn với những điều công ty đang tìm kiếm.” Bạn được khuyến khích nói thêm những câu như, “Cảm ơn anh rất nhiều về cơ hội này! Tôi thực sự đánh giá cao khi tìm hiểu công ty và công việc. Nhưng tôi chỉ không nghĩ rằng mình sẽ là lựa chọn đúng và phù hợp văn hoá.”
 
Chiến lược ứng xử này thông minh hơn rất nhiều việc liệt kê những điều bạn không hài lòng hay than thở, chê bai về quyền lợi của công ty, nhờ đó bạn đặt mình vào vị trí thuận lợi nhất để duy trì mối quan hệ và các cơ hội để ngỏ sau này.
 
Sau tất cả, nếu vẫn có nhiều người cho rằng chạy trốn hoặc biến mất là chiến thuật tốt thì có lẽ lỗ hổng trong ý thức giao tiếp và tầm nhìn về mối quan hệ của chúng ta còn rất lớn. Nó cho thấy sự chưa sẵn sàng làm việc, chịu trách nhiệm và làm chủ tương lai của bản thân.
 
Dù thực trạng chưa tốt này đến từ hai phía, bạn tuyệt đối đừng đổ lỗi cho công ty hay trách cứ nhà tuyển dụng, cũng không nên trông chờ xung quanh thay đổi. Bạn phải là người đầu tiên có trách nhiệm với sự nghiệp của mình. Nếu có bị vỡ mộng vì sếp không tuyệt vời như mong đợi hay lỡ sa chân vào môi trường làm việc “đầy mùi thuốc súng”, luôn luôn có cơ hội để quay đầu, rẽ trái hay phải vẫn thuộc quyền quyết định của bạn. Người khác hoá “bóng ma” với bạn, bạn có thể chọn cách tiếp tục kiếm tìm hoặc từ bỏ. Nhưng một khi bạn đã hoá “bóng ma” với cả chính mình, không ai cứu được bạn nữa.
 
Chúng ta chỉ thực sự vô dụng khi bản thân không chịu hành động. Trở thành “bóng ma” là cách đầu tiên để buông xuôi và lý tưởng nhất để thất bại. Vì vậy, bằng tất cả khả năng, đừng biến mình thành “bóng ma” trong mắt nhà tuyển dụng. Năm mới đến rồi, hãy trưởng thành lên và chuyên nghiệp hơn, đừng bao giờ “bỏ bom” nhà tuyển dụng nữa nhé!
Số lượt đọc: 1056 -