• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

117297
Tổng số truy cập:117297
Khách đang online: 301
Đề phòng khủng hoảng giữa sự nghiệp
Ngày đăng tin: 05/04/2022 17:10
Các cuộc khủng hoảng giữa cuộc đời và giữa sự nghiệp dường như song hành với nhau. Đến thời điểm nào đó, chúng ta sẽ phải xử lý cùng lúc nhiều quyết định quan trọng trong cả cuộc sống cá nhân và công việc. Hãy chuẩn bị cho điều đó ngay.

Ở lứa tuổi từ 35 trở đi, nhiều người không chỉ phải đối mặt với khủng hoảng tuổi trung niên, mà còn gặp vô số rào cản trong công việc. Và khi khủng hoảng giữa sự nghiệp xảy ra, nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và ngược lại.


Khủng hoảng có thể khiến bạn nản chí

Thế nào là khủng hoảng giữa sự nghiệp
 
Bạn đang ở lứa tuổi trung niên, và cảm thấy bế tắc trong công việc, thiếu cơ hội phát triển và tăng lương. Bạn mong muốn thăng tiến hơn nữa nhưng bị mắc kẹt trong vị trí hiện tại, với guồng quay công việc đã 1 năm không đổi. Vì vậy, những việc đơn giản nhất cũng gây mệt mỏi và chán chường. Chưa kể, trong tập thể, bạn lạc lõng vì: không hiểu các câu chuyện, trò đùa về đời sống và nghiệp vụ mà thế hệ trẻ thường đề cập; không hiểu các công nghệ mới nhất, các kỹ năng và ứng dụng ‘hot’ nhất cho công việc. Như vậy, nhu cầu kinh tế thì cao, nhưng “lực” để bạn thực hiện nó thì không đủ, thậm chí thua kém những người trẻ. Bạn bắt đầu nản chí khi nghĩ về tương lai của mình.

Đó cũng là lý do mà một số lãnh đạo công ty, hoặc nhà tuyển dụng có định kiến: tuổi tác của một người có thể ảnh hưởng đến động lực trong công việc.

Nếu đang thất nghiệp, thì khủng hoảng tâm lý của người trung niên càng trầm trọng hơn do các gánh nặng: trang trải chi phí gia đình, con cái, học hành, y tế, nhà cửa, các khoản vay và trả góp. Sự bế tắc về nghề nghiệp ở tuổi này thậm chí có thể dẫn đến các nguy cơ trầm cảm và tự sát.

Biểu hiện cụ thể của cuộc khủng hoảng giữa sự nghiệp
 
Sự khởi đầu của tình trạng bất ổn giữa sự nghiệp có thể có những dấu hiệu như:

- Là một chuyên gia trong lĩnh vực, nhưng bạn vẫn thấy không hài lòng với mức lương và vị trí hiện tại.

- Tự thấy kỹ năng, kiến ​​thức và năng lực của mình còn hạn chế.

- Thờ ơ với công việc hàng ngày, không quan tâm đến việc đạt được kết quả cao hơn.

- Không hăng hái đi làm.

- Thiếu kiên nhẫn, phòng thủ và bất mãn.

- Không hòa nhập được với những đồng nghiệp trẻ, cảm thấy tụt lùi.

Nhưng cơn khủng hoảng của mỗi người có thể rất khác nhau. Chỉ có bạn mới tự đánh giá được mình đang đối mặt với sự thất vọng tạm thời với công việc, hay thực sự là đang làm sai lĩnh vực, và dậm chân tại chỗ so với nhu cầu thị trường.


Rà soát lại để giải quyết vấn đề

Giải quyết vấn đề
 
Đã một năm bạn chưa được tăng lương, cũng chưa đi du lịch. Trong khi đó, một người bạn vừa được thăng chức, một người quen trong nghề vừa được vinh danh bởi thành tích nào đó, hoặc ai đó thay vì đang kiệt sức vì công việc thì tận hưởng nắng gió ở bãi biển đúng tinh thần “YOLO” (You only live once - bạn chỉ sống một lần trong đời).

Thế là chúng ta bỗng nhiên phát hoảng hoặc cảm thấy mất niềm tin vào sự nghiệp. Cùng với đó là cảm giác “thua cuộc”, hoặc “sợ bị bỏ lỡ”. Và bạn cảm thấy mông lung về tương lai của bản thân, thậm chí hối tiếc về một số quyết định trong sự nghiệp.

Đó là bởi chúng ta tập trung vào sự kiện, mà quên rằng những điều này có thể chỉ là biểu hiện của một quá trình. Suy nghĩ hoặc hối tiếc về các quyết định cũ, mà không có bằng chứng chắc chắn về kết quả chỉ khiến bạn cảm thấy mình thua cuộc.

Thay vì tập trung vào những hối tiếc, hãy suy nghĩ về các cách có thể giúp sự nghiệp hiện tại trở nên tốt đẹp hơn. Một số gợi ý:

- Củng cố trình độ bằng cách học nâng cao, chủ động thay đổi và tạo nên thử thách trong công việc hàng ngày. Không để các nhiệm vụ lặp đi lặp lại đều đặn hơn 6 tháng.

- Nghiên cứu các dự án tiềm năng có thể tối ưu hóa hiệu suất của công ty và vận động hành lang để một hoặc nhiều dự án trong số đó được ứng dụng. Áp dụng kiến thức trong các dự án mới này.

- Yêu cầu đào tạo chuyên môn bổ sung để đủ điều kiện nhận các cơ hội cấp cao hơn trong công ty.

- Cân nhắc thay đổi hoàn toàn sự nghiệp sang một lĩnh vực nào đó mà bạn có đam mê. Đi học thêm để lấy chứng chỉ nghiệp vụ nếu cần.

- Cộng tác, làm bán thời gian trong một lĩnh vực mới mà bạn muốn khám phá để xác định lại sở thích, trình độ kỹ năng.

- Dù định làm chuyên gia hay quản lý vẫn cần nâng cao kỹ năng quản lý, trước tiên là để quản lý công việc của chính mình. Sau đó là các kỹ năng giao tiếp và phối hợp làm việc, những cá nhân bị lựa chọn sa thải thường là các cá nhân khó hòa nhập với tập thể chung.

Các biện pháp trên còn có tác dụng cải thiện lòng tự trọng trong công việc.


Tuổi nào cũng cần làm mới kiến thức

Nhưng điều quan trọng là: chúng ta phải chấp nhận rằng chúng ta không hoàn hảo, và một giai đoạn bế tắc là điều bình thường. Không ai có thể đảm bảo rằng mình sẽ tránh được các sai lầm trong sự nghiệp và cuộc sống. Là những người bình thường, việc chúng ta có thể làm là tiếp tục chiến đấu để tìm ra thế giới tốt đẹp hơn cho bản thân. Vậy, đây chính là thời điểm tự nhìn nhận lại mình với các khuyết thiếu cần bù đắp, các bất ổn cần điều chỉnh và những ưu tiên thật sự cho cuộc sống.

Tạm kết
 
Bạn không phải là người duy nhất có khủng hoảng sự nghiệp. Nhưng bạn phải tự xác định cách giải quyết nào sẽ tốt nhất. Đã đến lúc khám phá và thử nghiệm, có thể là “liều mình” một chút. Biết đâu bạn sẽ thấy bản thân còn nhiều tiềm năng hơn bạn tưởng.
Số lượt đọc: 279 -