• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

2186
Tổng số truy cập:2186
Khách đang online: 102
Bí quyết “nhen” lại lửa nhiệt huyết với công việc
Ngày đăng tin: 28/10/2020 15:15

Với hầu hết những ai đã đi làm, ngày tiếp nhận công việc thường là thời điểm hào hứng nhất, hăng hái nhất. Nhưng cùng với thời gian, khi khó khăn trong công việc phát sinh, những kỳ vọng của bản thân gặp trở ngại là lúc sự nhiệt huyết bị thử thách. Tình trạng trên kéo dài có thể khiến bạn trở nên chán nản, thậm chí ghét bỏ công việc của mình. Và rồi ý nghĩ “nhảy” việc sẽ trỗi dậy. Nhưng nếu bạn chưa muốn hoặc chưa thể ra đi thì làm thế nào để tìm lại cảm hứng với những công việc cũ? Sau đây là một vài gợi ý.
 
Tâm trạng thoải mái sẽ giúp công việc của bạn thú vị hơn

1. Đề nghị được thay đổi một số nhiệm vụ:
 
Hãy nói chuyện với “sếp” về những gì bạn cảm thấy và thử đề xuất thay đổi khối lượng công việc hoặc loại công việc bạn đang làm. Có thể bạn đang bị quá tải, làm công việc quá sức hoặc quá nhàm chán và “sếp” sẽ hiểu rằng bạn sẽ không thể làm việc hiệu quả nhất nếu không có một vài thay đổi.
 
Chỉ cần có thể nói ra được những điều này đã là một khởi đầu tốt cho những thay đổi tích cực. Mục tiêu của bạn là tìm ra giải pháp không chỉ tốt nhất cho bản thân mà còn là tốt nhất cho công việc, cho công ty và cho chính ông chủ của mình. Vậy nên hãy trình bày thật rõ ràng, chân thành và khéo léo.
 
2. Thử cộng tác cùng những người mới
 
Ngay cả khi bạn chán công việc không phải vì mối quan hệ căng thẳng với các đồng nghiệp, thì việc hợp tác với những con người mới vẫn có thể đem lại một bầu không khí tươi mới. Trong những dự án sắp tới, hãy thử đề nghị được xếp vào một nhóm bạn ít khi làm việc cùng thậm chí ít khi gặp mặt trong cơ quan. Hoặc đơn giản hơn, hãy thử trao đổi những quan điểm của bạn với những người này để xem họ phản ứng ra sao.
 
3. Tìm kiếm sự đồng điệu
 
Nếu bạn đã biết rõ mình thích làm việc với ai và mọi việc tiến triển thuận lợi, hãy tìm cơ hội để hợp tác nhiều hơn với họ. Nếu là trong nội bộ, thử xin sếp cho phép thực hiện báo cáo, bài thuyết trình sắp tới với người bạn thấy hòa hợp. Bên ngoài công ty, đó có thể là những nhà cung cấp hay khách hàng mà bạn có quan hệ thân mật. Hãy vun đắp cho những mối quan hệ như vậy, củng cố sự gắn kết và tích cực phát triển chúng.
 
4. Xin thuyên chuyển công tác
 
Nếu những giải pháp trên không thể giúp bạn cảm thấy tình hình sáng sủa hơn tại chỗ làm hiện tại, hãy tìm cách chuyển đổi. Thử trao đổi với sếp xem liệu bạn có thể được thuyên chuyển sang một mảng khác của công ty hay không. Rõ ràng việc chủ động đề xuất tốt hơn là cứ ngồi đó và mong ngóng được thuyên chuyển.
 
Trước khi nộp đơn xin điều chuyển, bạn nên tìm hiểu xem lĩnh vực nào khác trong công ty có thể phát huy tối đa thế mạnh của bạn hoặc phòng ban, bộ phận nào bạn cho rằng mình muốn làm việc cùng. Hãy tích cực tìm kiếm cơ hội tại những nơi khả năng của bạn được xem trọng.
 
5. Tìm một đồng nghiệp có thể dốc bầu tâm sự
 
Có thể bạn vẫn đang làm việc cùng các đồng nghiệp cũ hoặc đã thuyên chuyển sang chỗ mới, trong khi làm việc vẫn sẽ có những lúc bạn muốn dốc bầu tâm sự về công việc. Tất nhiên những chuyện này không thể nói với sếp mà phải là một người bạn có thể tin tưởng như một đồng nghiệp thân thiết, một người cố vấn hoặc cậu bạn thân ở phòng ban khác. Nhưng hãy thận trọng khi chọn người tâm sự để chắc rằng cuộc trò chuyện riêng tư không bị “buôn dưa lê” khắp cơ quan.
 
6. Phát huy tối đa thời gian rảnh rỗi
 
Rất nhiều người cảm thấy bực bội với thời gian ở cơ quan vì những thứ họ làm, hoặc trong nhiều trường hợp là những thứ họ không làm khi rảnh rỗi. Hãy dành thời gian đó cho những người bạn thực sự quan tâm, luôn đảm bảo rằng bạn ngủ đủ giấc và có những giờ phút thư thái, vui vẻ. Hãy lên một lịch trình các hoạt động giúp bạn tìm lại cảm hứng và thêm sung sức.Việc có thời gian để thư giãn, thả lỏng sẽ giúp bạn cảm thấy hào hứng hơn cả trong công việc lẫn cuộc sống.
 
7. Chú ý tới chế độ ăn và thể lực
 
Một chế độ ăn không hợp lý có thể khiến bất kỳ ai cảm thấy uể oải, dễ nổi cáu và khiến những cảm xúc tiêu cực trong công việc càng bị nhân lên. Bằng cách ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên mọi người có thể nâng cao tinh thần, sự tỉnh tảo và hoạt bát. Hãy thử xem, rất có thể bạn sẽ bị ngạc nhiên bởi hiệu quả mà nó mang lại trong việc thay đổi thái độ với công việc.
 
8. Điều chỉnh lịch trình làm việc
 
Nếu lịch làm việc khiến bạn cảm thấy bực bội vì không thể tới trường đón con hay ghé thăm bố mẹ già yếu thì cũng đừng lặng lẽ cam chịu để cho sự khó chịu tích tụ. Hãy thử bàn với sếp một số cách giải quyết ví dụ như: để có thời gian đón con ở trường bạn sẵn sàng chấp nhận đi làm sớm hơn để được về sớm. Hiện không ít doanh nghiệp cũng khá linh hoạt trong vấn đề này.
 
9. Thay đổi thế giới xung quanh.
 
Nếu phải dành 8 tiếng mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần để ngồi trong 4 bức tường, trước bàn làm việc xưa cũ, buồn chán, thì chắc chắn sẽ có lúc bạn cảm thấy mình như đang ngồi trong nhà tù còn công việc không khác nào án chung thân. Hãy làm cho không gian làm việc sống động hơn bằng những bức ảnh của người thân, bạn bè hoặc những đồ trang trí yêu thích như lọ hoa…Ghế ngồi quá cao và không thoải mái? Tại sao không mang theo 1 thậm chí là 2 tấm đệm và cho các đồng nghiệp thấy bạn xử lý tình hình ra sao.
 
10. Sắp xếp lại hồ sơ, dữ liệu
 
Một trong những thứ dễ khiến tinh thần làm việc sụt giảm đó chính là những đống hồ sơ chất ngất hay dữ liệu lộn xộn trên máy tính. Hãy dành thời gian để sắp xếp lại email hoặc các tài liệu một cách ngăn nắp để bạn có thể dễ dàng tìm kiếm. Nếu bạn sở hữu một chiếc điện thoại thông minh tại sao không thử một vài ứng dụng có thể giúp bạn sắp xếp mọi thứ một cách ngăn nắp.
Số lượt đọc: 869 -