6 lí do phổ biến khiến bạn trì hoãn công việc
Ngày đăng tin: 05/11/2020 22:17
Vậy, đâu là nguyên nhân sâu xa của căn bệnh này? Về cơ bản, có 6 lý do dẫn đến sự trì hoãn. Hãy cùng xem những điều này có thường xuất hiện trong cuộc sống của bạn không nhé.
Sự thiếu rõ ràng
Đối với nhiều người, việc trì hoãn thường liên quan đến sự không rõ ràng. Khi bạn không biết chính xác những gì cần phải làm, vì sao bạn nên làm việc đó, làm thế nào cho hiệu quả…, bạn sẽ chần chừ. Nếu thiếu sự rõ ràng, bộ não của bạn sẽ phát đi tín hiệu rằng nhiệm vụ đó quá khó khăn, sẽ tốn nhiều năng lượng để thực hiện và “nó” sẽ thuyết phục bạn làm điều khác dễ dàng hơn, như lướt web, kiểm tra mạng xã hội… Do đó, điều quan trọng là hãy tạo sự rõ ràng trong quá trình làm việc để loại bỏ sự mập mờ gây ra hành vi trì hoãn.
Nhiệm vụ là điều bạn không mong muốn
Một lý do phổ biến khác cho sự chần chừ là nhiệm vụ được giao không thú vị như bạn mong muốn. Nếu bạn cảm thấy rằng mình đang trì hoãn vì không hào hứng với công việc, hãy suy nghĩ đến những điều sẽ xảy ra nếu bạn không thực hiện nó. Một “hình phạt” hay hậu quả “đáng sợ” có thể làm thay đổi suy nghĩ của bạn. Nói cách khác, tìm một lợi ích tích cực sẽ cho bạn lí do chính đáng để nhanh chóng bắt tay vào việc.
Sợ thất bại
Nỗi sợ thất bại sẽ lôi kéo bạn trì hoãn công việc, đặc biệt khi đó là một nhiệm vụ hoàn toàn mới. Tất nhiên, bạn sẽ không thất bại nếu không thực hiện nó. Nhưng cách suy nghĩ này sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả làm việc. Đối mặt với nỗi sợ thất bại sẽ giúp bạn không còn sợ hãi hoặc học cách kiểm soát được nỗi sợ. Vì vậy, lần tới khi bạn nghĩ về việc trì hoãn việc nào đó chỉ vì sợ thất bại, hãy nhắc nhở bản thân “thà rằng thử mà thất bại còn hơn là chẳng bao giờ dám làm gì”. Cố gắng nhưng đừng quá tập trung vào kết quả có thể giúp bạn bớt suy nghĩ về các nguy cơ thất bại.
Bạn cảm thấy quá tải
Khi bạn cảm thấy mình như thể không còn một chút sức lực nào với danh sách dày đặc các công việc cần làm, bạn có thể dễ dàng trì hoãn. Điều này có thể đặc biệt đúng khi bạn phải đối mặt với các nhiệm vụ quan trọng hoặc phức tạp. Thay vì đi sâu vào tìm hiểu, bạn lại để chúng sang một bên.
Trong trường hợp này, để tránh trì hoãn, hãy đi từng bước một. Giống như cách bạn có thể ăn một trái dưa hấu, mỗi lần cắn một miếng nhỏ, hãy chia các nhiệm vụ lớn thành những việc nhỏ mất không quá 15, 30 hoặc 45 phút để hoàn thành. Sau đó, liệt kê chúng vào danh sách việc cần làm và bắt đầu thực hiện.
Dễ bị phân tâm
Sự phân tâm là tình trạng không có khả năng tập trung sự chú ý của bạn vào một việc tại một thời điểm hoặc lâu dài. Mức độ phân tâm cao có thể khiến bạn dễ trì hoãn hơn bởi chúng khiến bạn liên tục chuyển từ việc này sang việc khác. Chẳng hạn, công việc viết báo cáo của bạn có thể sẽ bị trì hoãn nếu bạn liên tục bị phân tâm bởi các email đến, các thông báo tin nhắn trên điện thoại hoặc danh sách các thứ cần mua sắm chuẩn bị cho năm mới sắp đến.
Nếu bạn luôn cảm thấy mình bị xao lãng khi đang cố gắng tập trung, hãy loại bỏ tất cả các “cám dỗ” và chỉ nghĩ về nhiệm vụ đang thực hiện. Cụ thể là, chặn một số trang web, xóa các ứng dụng trên điện thoại, để điện thoại ở chế độ máy bay, đeo tai nghe chống ồn hoặc tìm một nơi hoàn toàn yên tĩnh.
Tìm kiếm một chút cảm giác “mạnh”
Đôi khi, lí do để một số người chần chừ, đợi đến khi thời hạn sắp hết mới bắt đầu thực hiện là họ muốn tự tạo một chút áp lực, thách thức và hứng thú cho những nhiệm vụ đó. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, loại trì hoãn này có thể dẫn đến kết quả tiêu cực về mặt hiệu suất bởi bạn không có đủ thời gian để xử lý bất kỳ vấn đề bất ngờ nào có thể xảy ra trong công việc.
Mỗi người có một lí do khác nhau cho sự trì hoãn công việc của bản thân và các lí do đó cũng thay đổi theo từng trường hợp. Chìa khóa để khắc phục vấn đề này là xác định lí do cá nhân và có hành động phù hợp. Hi vọng với các gợi ý về cách xử lý cho từng lí do gặp phải, bạn có thể giải quyết vấn đề chần chừ của mình và tạo được thói quen làm việc tích cực hơn.