6 Lĩnh vực chính trong nghề phiên dịch viên
Ngày đăng tin: 23/09/2020 09:06
I. Các hình thức phiên dịch khác nhau
Phiên dịch có nhiều kiểu khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh và nhu cầu của hoàn cảnh hiện tại. Dưới đây là sơ lược về 6 hình thức thông dịch chính :
1. Phiên dịch đồng thời (Phiên dịch cabin)
Có thể nói phiên dịch đồng thời là hình thức khó nhất trong các loại phiên dịch. Người dịch phải dịch nội dung sang ngôn ngữ khác song song với người nói. Người nói, nói đến đâu thì người dịch phải dịch đến đó.
Hình thức phiên dịch này thường được sử dụng trong các cuộc họp lớn, hội nghị hoặc triển lãm thương mại. Phiên dịch viên phải ngay lập tức dịch lại những gì mà diễn giả vừa nói. Để có thể làm được điều này, phiên dịch viên phải có khả năng nghe và ghi nhớ tốt thông tin, phân tích tình huống và cũng như hiểu được chuyên môn, lĩnh vực mà mình sẽ tham gia phiên dịch.
2. Phiên dịch liên tiếp
Là hình thức sau khi người diễn giả nói một đoạn dài, sẽ dừng lại 1 – 5 phút, để người phiên dịch dịch sang ngôn ngữ khác những gì mà diễn giả vừa nói.
Loại hình phiên dịch này thường được sử dụng trong các cuộc họp kinh doanh nhỏ, hoặc đối thoại giữa hai bên, với những người nói nhiều ngôn ngữ thay phiên nhau nói và được thông dịch.
Một kỹ năng quan trọng liên quan đến việc phiên dịch liên tiếp là ghi chú, vì rất ít người có thể ghi nhớ toàn bộ đoạn văn trong một lần nghe mà không bị mất chi tiết.
3. Phiên dịch đàm phán
Đây là loại hình phiên dịch được sử dụng nhiều trong các cuộc đàm phán, hội nghị giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong các cuộc đàm phán này, tỷ lệ thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng xử lý tình huống, sự khéo léo của phiên dịch viên.
4. Phiên dịch tháp tùng
Phiên dịch viên tháp tùng làm việc như một trợ lý của khách hàng, phiên dịch viên sẽ luôn đi bên cạnh khách hàng của mình và giúp họ truyền tải thông điệp, cũng như tiếp nhận thông tin cần thiết trong các chuyến công tác dài ngày.
Các phiên dịch viên này không chỉ là thông dịch viên, mà thường đóng vai trò là người giải thích văn hóa, sinh hoạt, giao tiếp và trao đổi công việc với đối tác ở đất nước mà họ đến.
Do đó, đặc thù của phiên dịch viên tháp tùng không chỉ là kiến thức chuyên môn giỏi mà bạn phải có kiến thức tổng hợp về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, địa lý,… tại nơi mà khách hàng sẽ đến. Hình thức phiên dịch tháp tùng thường được sử dụng trong các cuộc nghiên cứu khảo sát thị trường, tour thăm quan, du lịch…
5. Phiên dịch thầm
Thông dịch thì thầm tương tự như phiên dịch đồng thời nhưng thông dịch viên không sử dụng micrô, mà thông dịch viên ngồi bên cạnh người (hoặc nhóm người) yêu cầu phiên dịch. Phiên dịch viên chỉ được nói nhỏ trong lúc thông dịch. Hình thức phiên dịch này khó hơn nhiều và phụ thuộc rất nhiều vào giọng nói của phiên dịch viên.
Điều này thường được sử dụng cho một cuộc họp kinh doanh mà chỉ một người yêu cầu phiên dịch, hoặc ví dụ, trong phòng xử án nơi một người nào đó ở phía sau phòng yêu cầu phiên dịch để hiểu những gì đang được nói.
6. Phiên dịch qua điện thoại theo lịch trình
Phiên dịch qua điện thoại có phiên dịch đồng thời hoặc liên tiếp. Hình thức thông dịch này được thực hiện trong một cuộc hẹn đã định mà thông dịch viên không gặp trực tiếp cả hai bên, nhưng thực hiện thông dịch qua điện thoại.
II. Những điều cần chú ý khi lựa chọn phiên dịch viên
Dù bạn cần loại hình phiên dịch nào, điều quan trọng cần nhớ là khi chọn một phiên dịch viên, kiến thức chuyên môn là điều bắt buộc, bên cạnh đó kinh nghiệm là điều không thể thiếu. Người phiên dịch phải có khả năng nghe, ghi nhớ và xử lý tốt ngôn ngữ.
Ngoài ra, phiên dịch viên phải có kỹ năng nói trước đám đông xuất sắc và năng lực trí tuệ để ghi nhớ thông tin để truyền đạt chính xác nhất những thông điệp đến người nghe.