• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

62156
Tổng số truy cập:62156
Khách đang online: 74
10 dấu hiệu cho thấy bạn chưa nhận được lương xứng tầm
Ngày đăng tin: 04/07/2019 15:27

Không có lý do gì ngăn bạn thực hiện một cuộc trò chuyện hợp lý với quản lý của mình về việc tăng lương, nhưng cũng đừng buồn nếu câu phản hồi là: “Tôi nghĩ mức lương của bạn hiện đang tốt”. Vì như nhận xét của Liz Ryan, giám đốc điều hành và nhà sáng lập của Human Workplace, sau quá trình quan sát rất nhiều lần, nơi làm việc là một nơi thực sự kỳ lạ. Bởi nói một cách nào đó, mọi nhà tuyển dụng đều thách thức tất cả nhân viên của họ đi tìm công ty tốt hơn nếu nhân viên tin bản thân có khả năng thành công. Tương tự vậy, các nhân viên cũng âm thầm thách thức công ty tìm được người giỏi hơn với mức lương thấp hơn mình đi nếu nhà tuyển dụng nghĩ họ làm được.

 
Rất nhiều người đi làm bị trả công chưa xứng tầm, nhưng cũng rất nhiều người lương không hề thấp lại cứ băn khoăn khi tin theo những lời nói rằng họ sẽ có thu nhập tốt hơn nếu bỏ công ty hiện tại sang chỗ mới. Vì vậy, CareerBuilder.vn muốn chia sẻ với bạn 10 dấu hiệu, có thể sử dụng như một bài kiểm tra ngắn, cho thấy bạn đang nhận mức lương chưa tương xứng hay chưa một cách có cơ sở hãy tham khảo thử nhé!
 
1. Mức lương chưa xứng tầm nếu các chuyên viên tuyển dụng thường xuyên liên lạc với bạn để giới thiệu những cơ hội việc làm có trách nhiệm tương tự với công việc bạn đang có tại cùng địa phương nhưng lương cao gấp nhiều lần. Mặt khác, nếu cũng thường xuyên được chuyên viên nhân sự hoặc headhunter tìm kiếm, nhưng lại chỉ mời chào các công việc có phạm vi trách nhiệm khác với mức lương không cao hơn, hoặc thậm chí có ít quyền lợi hơn, điều kiện làm việc kém hơn hiện tại thì mức lương bạn đang nhận không hề thấp.
 
2. Mức lương chưa xứng tầm nếu bạn kiểm tra các website chuyên khảo sát – báo cáo về lương thưởng và biết được rằng những người có cùng kinh nghiệm, vị trí, cấp bậc như bạn đều nhận mức lương bình quân cao hơn mức hiện tại của bạn. Tuy nhiên, nếu thông qua các chuyên trang về lương bạn không tìm thấy vai trò nào có trách nhiệm tương tự như mình trên thị trường địa phương thì có khả năng chỉ duy nhất công ty của bạn có thể thuê bạn trong khu vực này, và bạn đã làm việc cho họ thì nhiều khả năng bạn được trả đúng mức lương hiện hành, bởi vì chủ công ty của bạn đang nắm toàn bộ thị trường khu vực đó.
 
 
3. Mức lương chưa xứng tầm nếu bạn có thể dễ dàng đổi một công việc khác với mức thu nhập cao hơn. Ngược lại, nếu bạn tìm hiểu để đổi qua một công việc khác cùng lĩnh vực để tăng thu nhập nhưng nhà tuyển dụng lại không có nhu cầu mở thêm vị trí này nhiều năm rồi thì có nghĩa là nhu cầu của thị trường hiện tại không quá cao và bạn đang có khả năng được trả đúng với mặt bằng chung.
 
4. Mức lương chưa xứng tầm nếu có những vị trí công việc trong lĩnh vực ngành nghề của bạn luôn tìm kiếm nhân tài có kinh nghiệm như bạn, và những vị trí này được trả lương cao hơn bạn hiện có. Bạn không bị trả thấp nếu đã có những kinh nghiệm rất đặc biệt, tuyệt vời nhưng không hoặc hầu như rất ít công ty nào tìm kiếm những điều bạn đang sở hữu cả. Vậy thì bạn có thể cân nhắc gợi ý sử dụng những kỹ năng đặc biệt của mình để “ra riêng” và tự xây dựng cơ sở kinh doanh để phát huy tất cả những sở trường của mình.
 
 
5. Mức lương chưa xứng tầm nếu những người khác trong công ty đang làm công việc rất giống với bạn và được trả lương cao hơn bạn. Bạn không bị trả thấp nếu bạn có hàng tấn kinh nghiệm, kỳ năng hay kiến thức nhưng lại không áp dụng chúng vào trong công việc của mình, bởi vì người sử dụng lao động chỉ trả lương cho những kinh nghiệm mà họ cần bạn đóng góp – chứ không phải tất cả mọi “tài nguyên” của bạn. Cho nên hãy ghi nhớ, lựa chọn đúng “bến đỗ” để có thể cống hiến và tận dụng hết tiềm năng bản thân là điều rất quan trọng.
 
6. Mức lương chưa xứng tầm nếu bạn nhìn thấy những mẩu quảng cáo tuyển dụng mà mình hoàn toàn phù hợp và đáp ứng nhu cầu sẽ chi trả mức lương cao hơn nhiều so với công việc bạn đang sở hữu. Bạn không bị trả thấp khi thường xuyên tìm thấy được những vị trí tuyển dụng trả lương cao hơn mức bạn đang có, nhưng bạn tự cảm thấy mình sẽ không qua nổi vòng phỏng vấn để giành lấy công việc đó.
 
 
7. Mức lương chưa xứng tầm nếu bạn nhận được lời mời làm một công việc toàn thời gian có mức trả lương cao hơn hiện tại. Bạn không nên nghĩ lương chưa xứng tầm khi thấy những người làm công việc tương tự như bạn theo hợp đồng ngắn hạn với công ty được trả cao hơn. Các hợp đồng ngắn hạn hầu hết thường được trả nhiều hơn công việc toàn thời gian một mức nhất định, bởi nó sẽ hoàn thành và kết thúc nhanh chóng, sau đó những người này cần phải tìm một hợp đồng khác. Có thể nói đây là sự bù trừ cho tính chất rủi ro, không ổn định về thu nhập của những người chọn hình thức hợp tác ngắn hạn.
 
8. Mức lương chưa xứng tầm nếu những người cùng cấp bậc và trình độ kinh nghiệm với bạn trên thị trường được trả công cao hơn. Không nhất thiết phải nghĩ rằng lương chưa xứng tầm chỉ bởi vì bạn không được trả cao hơn những người mới tham gia vào lĩnh vực nghề nghiệp của bạn. Trong một số lộ trình nghề nghiệp, rõ ràng sẽ có sự khác biệt to lớn giữa những nhân viên mới và chuyên gia dày dạn thâm niên. Tuy nhiên, cũng không ít lộ trình nghề nghiệp khác, khoảng cách giữa người mới và cũ dường như rất hẹp.
 
 
9. Mức lương chưa xứng tầm nếu hôm nay bạn rời khỏi công ty và lập tức tìm được công việc mới với mức thu nhập cao hơn ngay hôm sau. Có thể bạn không bị trả lương thấp, nếu hôm nay bước ra khỏi công ty, bạn lại hoá thành “chiến binh săn việc” vất vả tìm kiếm cơ hội giữa một thị trường lao động đầy cạnh tranh liên tục suốt 5-7 tháng.
 
10. Mức lương chưa xứng tầm nếu các chuyên viên tuyển dụng khẳng định với bạn: “Anh đang bị trả lương thấp”. Nhưng mức lương hiện tại của bạn không thấp khi các nhà tuyển dụng nói rằng: “Tôi hiểu những gì anh đang chia sẻ về mức lương, nhưng chúng tôi hiện không mở ra nhiều vị trí cần tuyển dụng nhân sự có mức độ kinh nghiệm như anh”. Nếu những nơi khác cũng không mở ra các cơ hội việc làm như bạn mong muốn, có lẽ bạn sẽ muốn tiếp tục gắn bó với nơi mình đang ở.
 
 
Hoàn toàn có thể đồng cảm khi ai trong chúng ta cũng muốn kiếm được nhiều tiền hơn.Nhưng điều quan trọng cần suy ngẫm đó là: “Liệu có cơ hội nào cho tôi với các nhà tuyển dụng khác, nơi sẽ đánh giá tôi cao hơn những gì tôi nhận được ở đây không?” và “Điều tôi mong muốn nhất ở vị trí tiếp theo là gì?”
 
Câu trả lời của mỗi người sẽ khác. Có thể bạn muốn nhận được thêm 10 triệu đồng vào tiền lương mỗi tháng. Có thể bạn coi trọng thời gian nghỉ phép hơn cả thu nhập. Hoặc có thể bạn muốn nhiều không gian tự do, thời gian rảnh rỗi, hay chế độ xét thưởng dài hạn hấp dẫn có thể đảm bảo được tương lai hưu trí của mình sau này.
 
Hãy suy nghĩ về những gì mình mong muốn nhiều nhất cho chặng đường tiếp theo và tương lai sau này. Đừng để bản thân bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những sự giận dữ (mặc dù chính đáng) vì muốn đấu tranh chống bất công, đó là một cảm xúc sẽ để lại dấu vết mà chúng ta nên thông suốt từ rất lâu. Rất thường xuyên, các cảm xúc bất bình này khiến chúng ta gặp rắc rối. Bạn hoàn toàn xứng đáng được trả công phù hợp – nhưng vẫn có nhiều cách khác hơn là chỉ chăm chú vào mỗi tiền lương.

 

Số lượt đọc: 472 -