Viết CV chuẩn với 6 mẹo thông minh, đơn giản
Ngày đăng tin: 07/10/2022 21:49
Bạn gửi đi rất nhiều CV xin việc nhưng không nhận được phản hồi từ phía nhà tuyển dụng? Bạn băn khoăn không hiểu lý do tại sao? Tham khảo ngay 6 mẹo viết CV xin việc hiệu quả, ấn tượng để mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho mình bạn nhé.
Nhiều ứng viên tin rằng nếu gửi CV xin việc đến nhiều công ty thì cơ hội nhận được các lời mời phỏng vấn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác. Lý do là vì rất có thể CV xin việc của bạn sẽ nhanh chóng bị loại ra do không đáp ứng được các quy tắc cơ bản. Để tối đa hóa cơ hội cho mình, bạn sẽ cần vận dụng tốt một số mẹo viết CV đơn giản mà hữu ích.
Những kỹ năng nào quan trọng trong CV xin việc?
1. Soạn CV ngắn gọn và dễ đọc
Thông thường, độ dài CV phù hợp với hầu hết các ứng viên là 1 - 2 trang và ứng viên có nhiều năm kinh nghiệm, ứng tuyển các vị trí quản lý cấp cao thì CV có thể dài đến 3 trang (nhưng hiếm). Bên cạnh đó, ứng viên cũng cần trình bày CV một cách dễ theo dõi nhất có thể với bố cục rõ ràng, tiêu đề từng phần được làm nổi bật.
Để làm được như vậy, hãy sử dụng một phông chữ đơn giản, chia đoạn rõ ràng, liệt kê thông tin bằng các dấu gạch đầu dòng, chú ý dấu câu, in đậm và in nghiêng khi cần.
Một cách khác đơn giản hơn là sử dụng các mẫu CV online có sẵn được thiết kế đẹp và chuyên nghiệp ngay trên Cevn. Bởi vì các mẫu đều được phân loại theo ngành nghề, phong cách khác nhau nên bạn có nhiều lựa chọn, hoàn toàn chắc chắn về tính thẩm mỹ, khoa học của CV. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được hướng dẫn cách viết CV theo từng vai trò công việc, để phần nội dung thông tin được gọn gàng, đúng trọng tâm.
2. Đầu tư nhiều nhất cho phần kinh nghiệm và thành tích
Một CV xin việc xuất sắc chắc chắn sẽ có phần kinh nghiệm được viết tốt với các kinh nghiệm liên quan tới công việc bạn ứng tuyển, trình bày theo thứ tự thời gian đảo ngược và dĩ nhiên không thể thiếu số liệu, thành tích. Phần kinh nghiệm nên viết theo gạch đầu dòng, mô tả ngắn gọn về trách nhiệm của bạn ở vị trí cũ và sau đó là việc bạn đã học được gì, được khen thưởng như thế nào, có thành tích đo lường được bằng số liệu ra sao.
Gợi ý cách viết phần Kinh nghiệm trong CV (vị trí Chuyên viên Kinh doanh):
Nhân viên bán hàng, chuỗi cửa hàng ABC (2/2021 - 4/2022)
- Tư vấn, chốt đơn, hỗ trợ khách tham quan và mua trang phục, phụ kiện tại cửa hàng; sắp xếp và dọn dẹp cửa hàng trong ca làm việc; hỗ trợ thanh toán với thu ngân.
- Doanh số bán hàng tăng trung bình 5 - 15%/ tháng, phát triển kỹ năng sales, giao tiếp và khả năng giải quyết vấn đề.
Kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn không thể thiếu đối với ứng viên tìm việc làm
3. Làm nổi bật bằng cấp, trình độ trong CV
Không phải tất cả các nghề nghiệp, vai trò công việc đều coi trọng bằng cấp chuyên môn của ứng viên, dù vậy, đây vẫn là phần bắt buộc phải có trong CV và nhà tuyển dụng thường đọc để đánh giá một phần năng lực của bạn.
Muốn làm nổi bật bằng cấp và trình độ, một số phương pháp đơn giản cho bạn gồm có:
- Luôn viết bằng cấp cao nhất lên đầu tiên.
- Nếu bạn chưa tốt nghiệp quá lâu và có kết quả học tập tốt, hãy viết rõ chuyên ngành, loại bằng tốt nghiệp và điểm trung bình học tập (GPA).
- Trường hợp bạn đang theo học lên cao học thì cũng đừng quên viết trong CV nhé.
4. Phần Hoạt động cho thấy sự năng động, nhiệt tình
Nếu bạn đã dành thời gian công tác tình nguyện hay các hoạt động ngoại khóa, CLB trong trường... hãy trình bày điều đó trong
CV xin việc của mình. Thời gian bạn dẫn dắt các tình nguyện viên hoặc tham gia vào những hoạt động vì cộng đồng sẽ giúp bạn hình thành và phát triển các kỹ năng như giao tiếp, tương tác, tổ chức và sắp xếp, điều phối công việc, thậm chí là kỹ năng lãnh đạo. Khi chia sẻ trong CV xin việc, bạn có thể đề cập tới những kỹ năng chuyển đổi của mình để thêm nổi bật.
Đối với các
ứng viên trẻ, ít kinh nghiệm thì hoạt động là phần giúp bạn được cộng điểm nếu có tham gia tích cực. Về cơ bản, ngoài
kinh nghiệm và kỹ năng bạn có, nhà tuyển dụng còn dựa vào phần này để xác định mức độ phù hợp của bạn với văn hóa công ty.
5. Nội dung CV trung thực
Khi viết CV xin việc, chúng ta thường có tâm lý là nói quá lên ít nhiều để CV có điểm nhấn thu hút nhà tuyển dụng. Tuy vậy, ranh giới giữa nói quá "một chút" và nói dối rất mong manh. Việc "chém gió" trong CV không những không giúp bạn có cơ hội phỏng vấn mà ngược lại, sẽ khiến hình ảnh ứng viên của bạn tiêu cực đi, thậm chí bị cho vào "blacklist" của nhà tuyển dụng.
Ví dụ, bạn là
nhân viên tư vấn bất động sản, có tháng bán được 5 căn hộ thì hãy trung thực như vậy, đừng "bịa" rằng mình bán được trung bình 15 căn hộ mỗi tháng. Nhà tuyển dụng có thể nghi ngờ và liên lạc với người tham vấn của bạn, hoặc khi bạn đến phỏng vấn rồi trả lời không thuyết phục thì mọi nỗ lực vẫn là "công cốc".
Hãy nhớ, CV không chỉ để gửi cho có mà phản ánh chính con người bạn. Chắc hẳn bạn không muốn nhà tuyển dụng nhớ tới bạn như một ứng viên "gian dối" đúng không nào?
Nội dung CV luôn được nhà tuyển dụng chú trọng khi đánh giá
6. Điều chỉnh CV linh hoạt cho phù hợp với từng vị trí ứng tuyển
Ứng tuyển các vị trí việc làm khác nhau sẽ cần điều chỉnh CV, ít nhất là ở phần vị trí ứng tuyển, mục tiêu nghề nghiệp và kỹ năng. Muốn CV xin việc gửi đi nhận được phản hồi, bạn nên thường xuyên cập nhật thông tin vào CV và điều chỉnh cho phù hợp nhất với từng nhà tuyển dụng khác nhau. Đọc kỹ mô tả công việc, chỉnh sửa nội dung để CV đáp ứng được các yêu cầu trong đó.
Để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng, ứng viên nên viết CV xin việc dễ đọc và có sự kết nối với mô tả công việc. Trước khi nộp hồ sơ, bạn cũng nên đọc kỹ lại để kiểm tra xem CV còn sai sót nào nữa hay không để đảm bảo đã gửi đi bản CV hoàn hảo nhất của mình.