Trả lời phỏng vấn ra sao khi bạn… chưa biết yêu công ty vì điều gì?
Ngày đăng tin: 13/05/2025 21:59
Đừng chỉ trả lời “vì thích” khi nhận được câu hỏi “Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?” mà hãy tham khảo những gợi ý về các trả lời phỏng vấn thông minh sau đây
Đừng chỉ trả lời “vì thích” khi nhận được câu hỏi “Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?” mà hãy tham khảo những gợi ý về các trả lời thông minh, sâu sắc và chân thành sau đây để biến bạn trở thành một ứng viên nặng ký và giành được vị trí công việc mình mong muốn.
1. “Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?” Câu hỏi ngắn nhưng không đơn giản
Hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ hỏi câu này trong buổi phỏng vấn dành cho các ứng viên. Một câu hỏi ngắn nhưng hoàn toàn không hề đơn giản, nó làm cho nhiều người lúng túng, không biết trả lời sao cho thật khéo léo, vừa ghi điểm với nhà tuyển dụng, vừa không nói khác đi những gì mình suy nghĩ.
Câu hỏi trực diện đầy thực tế này không chỉ là cách để nhà tuyển dụng đánh giá bạn, mà còn là cơ hội để bạn đánh giá chính mình, thành thật với chính mình:
Thứ nhất, bạn có thật sự muốn làm công việc này, có muốn trở thành một nhân sự của công ty này hay chỉ đang nộp CV cho yên tâm, đang rải CV nhiệt tình thì vô tình được công ty mời phỏng vấn. Nói một cách dễ hiểu hơn, bạn có thực sự để tâm vào công ty này không?
Thứ hai, bạn nhìn thấy điều gì ở công ty này? Bạn xem đây là một bến đỗ tạm thời để tránh khỏi cảnh thất nghiệp, để có chút đồng lương duy trì cuộc sống hay bạn xác định đây chính là điểm khởi đầu cho bước tiến dài hạn trong hành trình sự nghiệp của mình?
Đối với câu hỏi này, câu trả lời không cần “hay”, không cần tỏ ra “nịnh bợ” công ty, chỉ cần câu trả lời chân thật và thể hiện tư duy của bạn là đủ. Vậy phải trả lời như thế nào để có tư duy?
2. Trả lời ra sao khi bạn… chưa biết nên yêu công ty vì điều gì?
a. Thể hiện sự yêu thích và hiểu biết về công ty
Thật khó để một ứng viên chưa làm việc ở công ty ngày nào bày tỏ sự yêu thích dành cho công ty đó. Vì thế để chuẩn bị cho câu hỏi này, bạn cần dành chút thời gian tìm hiểu về công ty, bao gồm sản phẩm đang kinh doanh, dịch vụ cung cấp cho khách hàng, sứ mệnh hay văn hóa đặc trưng của công ty.
Khi đã có đôi chút thông tin cơ bản về công ty, bạn hãy đưa ra những liên hệ cá nhân trong quá trình phỏng vấn, nhất là khi nhận được câu hỏi: “Tại sao bạn muốn làm việc ở đây? Cụ thể là đưa ra những liên hệ như thế nào? Đơn giản thôi, hãy cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn đã từng dùng qua sản phẩm của công ty, thông qua chất lượng sản phẩm, bạn biết rằng công ty thực sự mang lại những giá trị tốt đẹp cho người tiêu dùng.
Hãy nhớ rằng, khi trả lời câu hỏi này, bạn cần phải trả lời một cách chân thành, cụ thể, kể càng chi tiết càng tốt. Không cần quá “đóng kịch” hay giả vờ khen một cách thái quá. Hơn ai hết, nhà tuyển dụng biết giá trị công ty của họ nằm ở đâu và đến mức nào.
b. Thể hiện sự phù hợp với vị trí ứng tuyển
Đối với câu hỏi có phần thử thách EQ này, bạn có thể xử lý bằng cách chứng minh rằng bản thân mình thực sự phù hợp vị trí mà công ty đang tuyển dụng. Hãy mạnh dạn chỉ ra điểm nào trong JD khiến bạn thấy hứng thú và tự tin nhất khi đến tham gia cuộc phỏng vấn. Song song đó, bạn hãy liên hệ với thế mạnh cá nhân mình, bao gồm kỹ năng, kinh nghiệm hoặc sở thích cá nhân.
Ví dụ, JD có nội dung “viết kịch bản cho MC sự kiện”, vậy thì hãy nói rằng bạn vô cùng háo hức với đầu việc này và mong chờ cơ hội thể hiện khả năng của mình. Hoặc bạn kể lại đã từng có kinh nghiệm viết kịch bản cho MC ở các sự kiện lớn nhỏ đã từng làm hoặc viết kịch bản livestream…. Tất tần tật những gì có liên quan, bạn hãy đưa ra cho nhà tuyển dụng thấy.
c. Thể hiện tầm nhìn phát triển cá nhân trong công việc
Thêm một cách để bạn “khoe khéo” EQ của mình khi gặp câu hỏi này của nhà tuyển dụng, đó chính là thể hiện tầm nhìn phát triển của mình tại vị trí ứng tuyển về mặt lâu dài.
Bạn có thể chia sẻ rằng mình nhìn thấy con đường phát triển rõ ràng tại công ty, ví dụ như bạn đang ứng tuyển vào vị trí intern và có thể thăng tiến lên vị trí junior sau 2 năm làm việc, phát triển. Bên cạnh đó, bạn hãy thể hiện rằng mình thực sự muốn đóng góp năng lực, học hỏi thêm kinh nghiệm và cùng công ty trưởng thành theo năm tháng. Cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn muốn cống hiến, muốn đồng hành thực sự chứ không chỉ là một người đi làm công ăn lương.
Cuối cùng, bạn cần phải mang tâm thế đến công ty để làm việc, để đầu tư cho sự nghiệp chứ không hề đi “xin việc” để sống qua ngày.
3. Cách tốt nhất để nhà tuyển dụng thấy bạn đã suy nghĩ nghiêm túc
Bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn tuyển được nhân sự vừa có năng lực, vừa có sự nghiêm túc lâu dài. Và bạn có thể thể hiện điều đó bằng cách chỉ ra những điểm cụ thể trong JD khiến bạn hứng thú và quyết định gửi CV phỏng vấn. Đừng chỉ nói thích công việc này một cách rập khuôn.
Đừng chỉ nói rằng mình “muốn học hỏi” chung chung mà hãy cho họ thấy bạn muốn học thêm những gì. Ví dụ kỹ năng làm 3D, khả năng tư vấn bán hàng qua điện thoại hay nâng cao trình độ ngoại ngữ thông qua các dự án làm việc với công ty nước ngoài.
Đặc biệt, bạn không cần nói “tôi muốn cống hiến” mà hãy thẳng thắn rằng “tôi học được A, từng làm được B và tôi tin rằng mình đủ khả năng mang lại giá trị cho đội ngũ, cho công ty này”. Bạn thấy không, câu trả lời có sức nặng hơn hẳn.
4. Hãy trả lời để chọn đúng nơi thuộc về bạn
Nên nhớ rằng cuộc phỏng vấn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ đối với nhà tuyển dụng mà còn đối với bạn. Đây là cuộc gặp song phương, nhà tuyển dụng cần nhân sự phù hợp, còn bạn cần một công ty xứng đáng để đầu tư 8 tiếng/ngày hoặc hơn.
Do đó, câu trả lời chỉn chu, chân thành và có chiều sâu không chỉ giúp bạn qua vòng phỏng vấn mà còn giúp bạn định hình được những điều mình muốn theo đuổi trong quá trình xây dựng sự nghiệp tại công ty này. Vì thế, hãy bình tĩnh, tự tin và bản lĩnh để trả lời từng câu hỏi và ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Với tất cả những gợi ý này chắc hẳn sẽ giúp bạn hình dung được rất nhiều câu trả lời trong đầu khi chuẩn bị bước vào các buổi phỏng vấn. Đừng áp lực, không cần căng thẳng, chỉ cần chân thành, tự tin và nghiêm túc, bạn sẽ nhẹ nhàng vượt qua vòng phỏng vấn và để lại ấn tượng sâu sắc.