• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

123988
Tổng số truy cập:123988
Khách đang online: 145
Trả lời được 4 câu này, bạn sẽ đậu phỏng vấn
Ngày đăng tin: 21/01/2025 21:57

Bạn đã chuẩn bị gì cho buổi phỏng vấn sắp tới? Phỏng vấn là thử thách cuối cùng mà bạn phải hoàn thành tốt để được nhận vào công ty làm việc. Những ai có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ chinh phục được nhà tuyển dụng. Ngược lại, những ai chủ quan, không tìm hiểu về công ty, về kinh nghiệm ứng tuyển thì sẽ dễ bị fail, nhất là khi gặp phải những câu hỏi phỏng vấn hóc búa. Đừng bỏ qua 4 câu hỏi này nếu bạn muốn đậu phỏng vấn với điểm số tuyệt đối, câu cuối sẽ khiến bạn dễ bị “mắc bẫy” khi trả lời!

 
1. Giới thiệu bản thân đầu buổi phỏng vấn
 
Giới thiệu bản thân không phải là một câu hỏi, nhưng nó vẫn là một phần quan trọng sẽ xuất hiện trong tất cả các buổi phỏng vấn xin việc. Đây là ấn tượng đầu tiên của bạn trong mắt nhà tuyển dụng, hãy chắc chắn rằng bạn đã chuẩn bị kỹ phần giới thiệu bản thân sao cho ngắn gọn, súc tích. Mở đầu là các thông tin cá nhân như họ tên, năm sinh, ngành, trường, xếp loại tốt nghiệp, sau đó lồng ghép các điểm mạnh về kiến thức, kỹ năng, công việc liên quan tới vị trí ứng tuyển. Đừng huyên thuyên một cách dài dòng, mà hãy đi thẳng vào vấn đề, nói câu nào ăn điểm câu đó, gói gọn phần giới thiệu trong 2-3 phút thôi. Bên cạnh đó, hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, sẽ gắn bó với ngành nghề, công việc, với công ty trong thời gian dài, chứ đây không phải một cuộc chơi, một cơ hội để thử sức.
 
Gợi ý trả lời phần giới thiệu bản thân:
 
Dạ, em là Nguyễn Văn A, tốt nghiệp loại giỏi ngành Marketing tại Đại học ABC. Trong hơn 3 năm kinh nghiệm làm việc tại công ty XYZ, em đã phát triển mạnh mẽ các kỹ năng chuyên môn, đặc biệt là trong việc xây dựng và triển khai chiến lược truyền thông hiệu quả. Trong suốt thời gian công tác, em không chỉ hoàn thành xuất sắc KPI mà còn có nhiều sáng kiến giúp tăng hiệu suất làm việc của phòng ban lên 20%. Ngoài ra, em đã tích lũy được kinh nghiệm quý báu trong việc quản lý các dự án truyền thông đa kênh, xây dựng thương hiệu và phát triển các chiến dịch tiếp thị sáng tạo, giúp tăng độ nhận diện thương hiệu và mang lại doanh thu bền vững cho công ty. Em tin rằng những kinh nghiệm này sẽ là điểm mạnh giúp em đóng góp tích cực vào thành công chung của công ty.
 
Em có định hướng sẽ gắn bó lâu dài và phát triển sự nghiệp trong ngành Marketing. Em đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về công ty và các giá trị cốt lõi mà công ty đang xây dựng, đồng thời nhận thấy vị trí này là cơ hội hoàn hảo để em phát huy thế mạnh của mình. Em rất hy vọng có thể trở thành một phần của công ty, cùng đồng hành và góp sức vào sự phát triển không ngừng của đội ngũ. Nếu được trao cơ hội, em cam kết sẽ nỗ lực hết mình để mang lại những giá trị tích cực và đạt được mục tiêu chung của công ty trong thời gian tới.

2. Phỏng vấn: Vì sao bạn muốn làm việc tại công ty?
 
“Vì sao bạn muốn làm việc tại công ty” là sự kết hợp giữa 2 câu hỏi phỏng vấn, chính là “Bạn đã tìm hiểu những gì về công ty, công việc” và Bạn có những điểm gì phù hợp với công việc này”. Tức là khi đặt ra câu hỏi phỏng vấn này, thì nhà tuyển dụng muốn được chia sẻ cả 2 nội dung, rằng bạn đã tìm hiểu về công ty chưa, và khi tự so sánh với năng lực bản thân thì những điểm nào phù hợp để bạn toả sáng, hoàn thành tốt công việc, để chứng minh bạn đủ năng lực để đậu phỏng vấn. Đồng thời, bạn cũng có thể chia sẻ một chút về định hướng tương lai, rằng công việc này phù hợp thế nào, bạn sẽ cố gắng học hỏi, phát triển và đóng góp ra sao cho công ty trong tương lai.
 
Gợi ý trả lời phỏng vấn về lý do ứng tuyển:
 
Em muốn làm việc tại công ty vì em đã tìm hiểu và rất ấn tượng với sứ mệnh, giá trị cốt lõi và những thành tựu mà công ty đã đạt được, đặc biệt, em cũng rất muốn phát triển bản thân trong ngành marketing ở một công ty trong lĩnh vực giáo dục. Em nhận thấy công việc tại đây không chỉ phù hợp với định hướng phát triển sự nghiệp của em mà còn là môi trường lý tưởng để em học hỏi và phát huy các thế mạnh của bản thân.
 
Em đã đọc kỹ mô tả công việc và thấy rằng bản thân cũng có nhiều điểm phù hợp, thoả mãn nhiều tiêu chí mà công ty đang cần, chẳng hạn như nền tảng kiến thức chuyên ngành vững chắc, đã được trau dồi qua 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực marketing. Bên cạnh đó, em cũng thành thạo kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, và xử lý tình huống một cách linh hoạt, đây là những kỹ năng mềm rất cần thiết để teamwork và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
 
Em tin rằng với nền tảng kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng này, em có thể đóng góp tích cực vào việc xây dựng thương hiệu, đưa các khoá học của trung tâm tiếp cận và thu hút đông đảo học viên hơn, phát triển thêm nhiều kênh truyền thông như TikTok, Youtube, kết hợp thêm những ý tưởng sáng tạo khác để tăng hiệu quả đầu ra của phòng Marketing. Với tinh thần ham học hỏi sẵn có, em sẽ cố gắng học hỏi, không ngừng hoàn thiện bản thân trong quá trình làm việc, và đương nhiên sẽ cùng đồng hành, gắn bó lâu dài và tạo ra nhiều giá trị bền vững cho công ty.
 
3. Đậu phỏng vấn khi trả lời: Điểm yếu của bạn là gì?
 
Khi hỏi điểm yếu của bạn là gì, nhà tuyển dụng muốn đánh giá mức độ tự tin, bình tĩnh, sự mạnh mẽ khi đối diện với điểm yếu của ứng viên. Những ai ngại ngùng, lúng túng, không dám chia sẻ sẽ khiến nhà tuyển dụng thất vọng. Ngược lại, nếu bạn nhận thức được điểm yếu bản thân và đang dần từng bước khắc phục, thì bạn là một người có tinh thần cầu tiến, sẽ được đánh giá tốt trong câu hỏi này và tăng khả năng đậu phỏng vấn. Bạn nên liệt kê 1-2 điểm yếu liên quan tới công việc, nhưng không quá nghiêm trọng, rồi kèm theo dẫn chứng cụ thể rằng bạn đang làm gì để khắc phục chúng.
 
Gợi ý trả lời phỏng vấn về điểm yếu:
 
Một trong những điểm yếu của em là đôi khi tôi hơi quá dễ tính và nhạy cảm trong giao tiếp với mọi người, đặc biệt là trong môi trường làm việc nhóm. Em thường cố gắng tránh làm mất lòng đồng nghiệp hoặc đối tác, ngay cả khi cần đưa ra phản hồi hoặc góp ý để cải thiện công việc. Điều này khiến em đôi lúc không thể truyền đạt đầy đủ những vấn đề cần điều chỉnh, dẫn đến việc một số công việc có thể không đạt hiệu quả tốt nhất như mong đợi.
 
Tuy nhiên, em nhận thức rõ đây là một điểm yếu cần cải thiện. Vì vậy, em đã chủ động tìm cách nâng cao khả năng giao tiếp của mình bằng cách tham gia các khóa học ngắn hạn về kỹ năng giao tiếp và quản lý xung đột. Em học cách trình bày ý kiến một cách rõ ràng, tập trung vào vấn đề thay vì con người, để tránh gây hiểu lầm hoặc cảm giác khó chịu. Ngoài ra, em cũng thực hành từng bước trong công việc hàng ngày, như bắt đầu bằng những phản hồi nhỏ mang tính xây dựng trong các cuộc họp hoặc khi làm việc nhóm.
 
Hiện tại, em cảm thấy mình đã tiến bộ hơn trong việc cân bằng giữa sự chân thành, tinh tế và tính chuyên nghiệp khi đưa ra nhận xét hay góp ý. Em tin rằng điều này không chỉ giúp công việc của tôi hiệu quả hơn mà còn tạo được sự tin tưởng và tôn trọng từ đồng nghiệp và cấp trên.
 
4. Trả lời phỏng vấn: Mức lương mong muốn là bao nhiêu?
 
Với câu hỏi phỏng vấn mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu, khá nhiều ứng viên rơi vào “bẫy” khi tự dưng lại tiết lộ mức lương ở công ty cũ, rồi nói rằng mình muốn cao hơn khoảng 20%. Lỗi thứ 1 là bạn tiết lộ thông tin mật, mức lương là điều tế nhị không được tiết lộ với người khác, huống chi là người mới gặp lần đầu. Lỗi thứ 2 là cơ sở đâu để nhà tuyển dụng phải trả cho bạn nhiều hơn 20% so với mức lương ở công ty cũ, họ trả lương theo năng lực thực tế mà bạn thể hiện trong buổi phỏng vấn, chứ không thể lấy theo ý bạn muốn 1 cách chưa đủ thuyết phục, thiếu cơ sở. Hãy trả lời một khoảng lương chẳng hạn như 12.000.000đ – 14.000.000đ cho vị trí chuyên viên Marketing đã có kinh nghiệm 3 năm, và liệt kê một số điểm mạnh về kỹ năng, chuyên môn của bạn để thuyết phục nhà tuyển dụng đồng ý. Ngoài ra, hãy nói thêm rằng bạn sẽ cố gắng làm việc để tạo ra cho công ty nhiều giá trị tương xứng với mức lương được trả.
 
Gợi ý trả lời phỏng vấn về mức lương mong muốn:
 
Với vị trí chuyên viên Marketing mà em đang ứng tuyển và dựa trên kinh nghiệm làm việc hơn 3 năm trong lĩnh vực này, mức lương mong muốn của em nằm trong khoảng từ 12.000.000đ đến 14.000.000đ. Đây là mức lương em cho rằng hợp lý với kinh nghiệm, kỹ năng, và khả năng đóng góp của mình cho công ty.
 
Trong suốt quá trình làm việc, em đã tích lũy được kinh nghiệm ở các mảng như lập kế hoạch và triển khai chiến dịch Marketing, tối ưu hóa hiệu suất quảng cáo trên các nền tảng như Facebook Ads, Google Ads, cũng như quản lý nội dung và xây dựng thương hiệu trên các kênh truyền thông xã hội. Em cũng có khả năng làm việc nhóm tốt, giao tiếp hiệu quả và tư duy sáng tạo, điều này đã giúp em không chỉ hoàn thành mà còn mang lại kết quả vượt mong đợi ở các dự án trước đây. Em hiểu rằng mức lương là sự đánh giá về giá trị mà mình mang lại cho công ty, vì vậy em sẽ nỗ lực hết mình để đạt hiệu quả công việc cao nhất, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển các mục tiêu chung của công ty.
 
Bài viết này đã điểm qua 4 câu hỏi mấu chốt khả năng rất cao sẽ xuất hiện trong buổi phỏng vấn sắp tới của bạn, hãy dành thời gian nghiên cứu, tự nhìn lại bản thân để chuẩn bị trước câu trả lời phù hợp nhất với mình, tăng khả năng giúp bạn đậu phỏng vấn. Và đương nhiên, khả năng rất cao rằng bạn sẽ được chọn nếu thuận lợi trả lời tốt các câu hỏi phỏng vấn này. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn!
Số lượt đọc: 6 -