• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

124007
Tổng số truy cập:124007
Khách đang online: 151
Hướng dẫn cách chọn ngành nghề phù hợp với bản thân
Ngày đăng tin: 18/01/2025 22:02

Chọn ngành nghề phù hợp với bản thân luôn là nỗi trăn trở của nhiều người. Nên lựa chọn ngành mình thích hay chọn theo yêu cầu của ba mẹ? Dựa trên những tiêu chí nào để đánh giá sự phù hợp của cá nhân với một nghề nào đó? Giữa vô vàn lời khuyên khác nhau, đâu là phương án tốt nhất? Nếu bạn cũng đang có những đắn đo đó thì dưới đây là 05 gợi ý tham khảo của Cevn giúp bạn đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân.

Tầm quan trọng của việc chọn ngành nghề phù hợp với bản thân
 
Lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới lộ trình sự nghiệp mà còn có tác động lớn tới cuộc sống và sự phát triển cá nhân. Tầm quan trọng của việc chọn đúng ngành thể hiện rõ qua các khía cạnh:
 
Phát huy tối đa tiềm năng cá nhân: Bạn sẽ cảm thấy hào hứng và tràn đầy động lực khi được làm công việc phù hợp với bản thân. Điều này giúp bạn tạo ra nhiều giá trị hơn qua đó phát huy tối đa tiềm năng của mình. Ngược lại, nếu chọn ngành nghề không đúng với định hướng, bạn sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi, chán nản vì không có cơ hội phát triển điểm mạnh và tài năng của mình. 
 
Giảm căng thẳng và áp lực: Lựa chọn ngành nghề phù hợp giúp bạn giảm thiểu căng thẳng và áp lực. Một công việc không đúng định hướng sẽ dẫn tới sự thiếu động lực và giảm hứng thú lao động. Điều này gây nên tình trạng mệt mỏi kéo dài dẫn tới giảm năng suất lao động. Mặt khác, khi được làm công việc mơ ước, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy niềm vui trong công việc và sáng tạo ra những ý tưởng mới mẻ, đột phá. 
 
Cơ hội thăng tiến trong công việc: Làm một công việc phù hợp với bản thân là cơ hội tốt để bạn phát triển kiến thức, kỹ năng và mở rộng mối quan hệ xã hội. Đây là những yếu tố quan trọng giúp đạt được các mục tiêu dài hạn và sự thăng tiến trong sự nghiệp. Ngược lại, việc làm không phù hợp khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì động lực để phát triển, giảm khả năng tự tin khi nói về công việc và dễ bị phân tán bởi những cơ hội khác và khó tập trung vào mục tiêu của mình.
 
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Ngành nghề phù hợp giúp bạn giảm thời gian lao động nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công việc. Nhờ vậy, bạn có thể dễ dàng sắp xếp và thực hiện các kế hoạch chăm sóc bản thân và gia đình. Trong khi đó, công việc không đúng định hướng sẽ khiến bạn luôn trong trạng thái căng thẳng, mất tập trung và bạn có thể phải làm việc quá sức để hoàn thành nhiệm vụ. Điều này gây ra những tác động xấu đối với sức khỏe của bạn từ đó mang đến những ảnh hưởng tiêu cực tới lối sống và các mối quan hệ xung quanh.
 

Chọn nghề nghiệp phù hợp có tác động lớn tới sự cuộc sống và sự phát triển cá nhân

Cách chọn ngành nghề phù hợp với bản thân
 
Chọn ngành nghề là một quá trình đòi hỏi bạn cần hiểu rõ bản thân để xác định được mục tiêu và định hướng công việc mơ ước. Để có lựa chọn chính xác và phù hợp, bạn có thể tham khảo 05 bước gợi ý sau đây: 

Bước 1: Xác định mục tiêu nghề nghiệp
 
Mục tiêu là kim chỉ nam cho mọi hành động. Hãy tự đặt ra câu hỏi cho bản thân rằng “Đâu là điều bạn thực sự mong muốn trong sự nghiệp?”, “Giá trị nào trong công việc là quan trọng nhất với bạn (thu nhập, sự cân bằng, ổn định,v.vv..). Lập danh sách các câu trả lời những công việc mà bạn đang hướng tới, sau đó sắp xếp thứ tự ưu tiên dựa trên sự phù hợp về mong muốn và mục tiêu đặt ra. 
 
Hãy xác định mục tiêu lớn sau đó phân chia chúng thành các mục tiêu nhỏ. Sau đó, hãy thử ứng dụng mô hình SMART để cụ thể hóa các mục tiêu này, ví dụ:
 
Mục tiêu lớn: Trở thành trưởng nhóm Digital Marketing 
 
Mục tiêu nhỏ theo nguyên tắc SMART: 
 
S (Specific – Cụ thể): Trở thành trưởng nhóm Digital Marketing tại một công ty công nghệ có quy mô 300 nhân viên, chuyên về lĩnh vực bán lẻ thời trang trong vòng 2 năm tới.
 
M (Measurable – Đo lường được): (1) Tăng doanh thu từ các kênh Digital Marketing lên 10%, giảm chi phí quảng cáo xuống 5% trong vòng 06 tháng; (2) Triển khai thành công 05 chiến dịch quảng bá sản phẩm lớn trong Quý 1, 2,3.
 
A (Achievable – Có thể đạt được): Nâng cao kỹ năng lãnh đạo và quản lý bằng việc  đảm nhận vai trò quản lý các dự án quan trọng trong đội nhóm và tích cực phối hợp cùng các phòng ban liên quan. 
R (Relevant – Tính liên quan): Trở thành trưởng nhóm Digital Marketing giúp bản thân phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo mà mình đã có 4 năm học tập và 01 năm kinh nghiệm thực tế.
 
T (Time-bound – Có thời hạn): Đạt được vị trí trưởng nhóm Digital Marketing trong vòng 2 năm tới.
 
 
Lập mục tiêu nghề nghiệp theo phương pháp SMART
 
Bước 2: Tự đánh giá bản thân
 
03 tiêu chí quan trọng giúp bạn đánh giá sự phù hợp của bản thân với ngành nghề đó là: kiến thức, kỹ năng và tính cách. 
 
Về kiến thức: Bạn cần trả lời được 02 câu hỏi như: 
 
Bạn có nắm vững kiến thức nền tảng của ngành nghề mình đang muốn theo đuổi hay không? 
 
Bạn có sẵn sàng học tập nâng cao để mở rộng hiểu biết về ngành nghề đó không?
 
Đáp án cho 02 câu hỏi trên sẽ cho thấy bạn có thực sự sẵn sàng và muốn phát triển bản thân trong nghề nghiệp định hướng hay không cũng như xác định rõ hơn những kiến thức chuyên môn mà bạn cần bổ sung để phát triển trong ngành. 
 
Ví dụ: Bạn muốn học ngành thiết kế đồ họa thì những kiến thức cơ bản bạn cần nắm là kiến thức về hình ảnh, màu sắc, bố cục, các phần mềm thiết kế,v.vv…
 
Về kỹ năng: Đây là yếu tố quan trọng giúp bạn thành công trong nghề nghiệp. Bạn nên phân loại kỹ năng thành 3 nhóm gồm: kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, kỹ năng sống. Ghi rõ đâu là những kỹ năng đặc thù trong ngành nghề bạn theo đuổi, đâu là những kỹ năng cần rèn luyện để tiến xa hơn và đánh trọng số để có định hướng phát triển phù hợp. 
 
Ví dụ: Với lĩnh vực tài chính kế toán, kỹ năng cứng cần có là khả năng tính toán, kiến thức về pháp luật, thuế; kỹ năng mềm là: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc với áp lực, kỹ năng phân tích, lập báo cáo,v.v..
 
Về tính cách: Một danh sách tính cách phù hợp với ngành nghề sẽ giúp bạn đánh giá rõ hơn về sự phù hợp của bản thân với ngành nghề định theo đuổi.  Hãy viết ra đặc điểm từng ngành và các nhóm tính cách tương ứng và đánh dấu lại đâu là những tính cách bạn đang có và đâu là tính cách cần rèn luyện. 
 
Ví dụ: Bạn là người thích được lắng nghe và hỗ trợ mọi người thì lĩnh vực chăm sóc khách hàng là gợi ý khá phù hợp. Nếu bạn là người yêu thích các con số thì bạn có thể tham khảo các công việc thiên về phân tích dữ liệu, lập trình viên hoặc tài chính kế toán   
 
Bên cạnh đó, việc xác định rõ sở thích và thế mạnh của bản thân cũng có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Hãy dành thời gian tự đánh giá bản thân, làm các bài kiểm tra tính cách và trò chuyện với những người thân thiết để có những đánh giá chính xác nhất về thế mạnh của bạn.
 
Nếu vẫn còn đắn đo, bạn có thể tham khảo bài bài test MBTI để có gợi ý nghề nghiệp phù hợp. Bằng cách trả lời các câu hỏi trắc nghiệm, bạn sẽ hiểu hơn về chính bản thân về cách mình nhìn nhận thế giới hoặc ra thiên hướng ra quyết định. Kết quả trắc nghiệm MBTI cũng sẽ đưa ra lời khuyên về công việc phù hợp với nhóm tính cách tương ứng. 
 
 
Bài test MBTI giúp bạn hiểu hơn về chính mình qua đó lựa chọn công việc phù hợp
 
Tuy nhiên, cần lưu ý các bài trắc nghiệm như MBTI, cung hoàng đạo hoặc các công cụ kiểm tra tính cách khác chỉ mang tính chất tham khảo giúp bạn hiểu hơn về bản thân và có thêm định hướng. Bạn vẫn nên cân nhắc thêm các yếu tố khác để có quyết định hợp lý nhất.
 
Bước 3: Xem xét nhu cầu xã hội
 
Bên cạnh những yếu tố về mục tiêu hay sự phù hợp với tính cách, bạn cũng cần hiểu về nhu cầu xã hội để có lựa chọn việc làm phù hợp. Hãy dùng tầm nhìn dài hạn để đánh giá về sự cần thiết và khó bị thay thế của việc làm trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh thị trường công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay.  
 
Bước 4: Xem xét hoàn cảnh gia đình
 
Dưới góc độ hoàn cảnh gia đình, bạn cần tập trung vào 02 khía cạnh chính là: khả năng tài chính và sự ủng hộ của gia đình. Trong một số trường hợp, gia đình sẽ rất ủng hộ bạn theo đuổi ước mơ nhưng đôi khi thì ngược lại. Bạn nên lắng nghe một cách khách quan để đưa ra các đánh giá phù hợp dựa trên mục tiêu công việc và các tiêu chí cá nhân. 
 
Ngoài ra, khi có ý định theo học bất cứ ngành nghề nào, bạn cần cân nhắc kỹ về khả năng hỗ trợ từ gia đình cho các khoản học phí và sinh hoạt. Điều này sẽ giúp bạn trong việc lập kế hoạch chi tiêu hoặc lựa chọn các cơ sở đào tạo có mức học phí hợp lý nhất.
 
 
Sự ủng hộ của gia đình có ảnh hưởng tích cực đến định hướng nghề nghiệp bản thân
 
Bước 5: Lựa chọn cơ sở đào tạo (Đại học, Cao đẳng hay học nghề)
 
Một cơ sở đào tạo tốt là nơi giúp cá nhân phát triển về chuyên môn, kỹ năng và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ. Bạn hãy tìm hiểu kỹ về các trường Đại học/ Cao đẳng/ Trung tâm dạy nghề uy tín trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi, lập danh sách so sánh theo các tiêu chí: mục tiêu học tập (học nâng cao, lấy bằng hay nhanh chóng ra nghề, chi phí (học phí, sinh hoạt phí),v.vv..để chọn trường phù hợp với khả năng của bản thân. 
 
Chọn ngành nghề phù hợp với bản thân là một trong những quyết định quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Bên cạnh những tiêu chí về mục tiêu, sở thích, hoàn cảnh, điều kiện gia đình, trải nghiệm các công việc ở thực tế cũng sẽ giúp bạn hiểu hơn về bản thân và tìm ra định hướng nghề nghiệp tương lai. Thông qua những chia sẻ trên, Cevn hy vọng sẽ giúp bạn có thêm góc nhìn từ đó có quyết định phù hợp nhất. 
Số lượt đọc: 18 -