Này các bạn trẻ: Tuổi trẻ chính là kẻ thù của các bạn đấy!
Ngày đăng tin: 09/06/2018 21:18
Các bạn không phải là tầng lớp tiến bộ nhất của xã hội. Đừng nghĩ rằng các bạn luôn đúng…
Những người trẻ thì thích nói nhiều. Còn người già thì lại im lặng quá mức. Khi những người lớn tuổi nhìn những người trẻ và chỉ… mỉm cười, có thể họ muốn nói những điều tôi muốn nói đấy! Những người già thì quá trưởng thành để mà nói ra, còn bạn thì quá ồn ào để mà hiểu được.
Nên này các bạn trẻ, nhân lúc tôi đã đi qua tuổi trẻ của mình, nhưng vẫn chưa đủ già để mà im lặng, các bạn đừng ngại mất mấy phút mà đọc những điều này, vì tôi sợ rằng mình viết không đủ hay, để bài viết vẫn tồn tại cho đến khi bạn già và muốn tìm đọc lại đâu.
Này những người trẻ, có những điều để hiểu bạn phải biết lắng nghe thật chậm
Khi tôi còn trẻ, phản ứng đầu tiên của tôi khi đọc một bài viết như thế này là: “biết rồi khổ lắm nói mãi”, “lại một trò chơi chữ kiểu: bạn là kẻ thù của chính mình đây mà”, hoặc là “chắc lại là một thằng cha rỗi hơi bốc phét trên mạng”, hay “mấy bài câu view kiểu này bây giờ đầy”, đại loại như vậy… Những người trẻ luôn phán xét trước khi lắng nghe, và những người già đều đã từng trẻ rất hiểu điều đó, nên họ thường chọn cách im lặng.
Nên các bạn à, giờ các bạn thích đọc ngắn, đọc gọn, nhưng tôi sẽ cố tình viết bài này thật dài. Đủ dài để những kẻ thiếu kiên nhẫn phải bỏ cuộc, đủ ngấy để những đầu óc định kiến chẳng kịp”vớ bừa lấy” luận điểm nào để mà phê phán. Đủ phức tạp để những kẻ “tay nhanh hơn não” chẳng kịp hiểu gì mà hấp thụ.
Còn những bạn đọc tiếp đến dòng này mời ngồi lại, giữ im lặng tinh thần. Đừng đọc vội, đừng đọc nhanh, đừng đọc chỗ ồn ào, đừng giữ bất kì định kiến nào trong đầu, và đọc trọn vẹn trước khi phán xét về nó.
Vì tôi muốn nói với các bạn về dòng chảy của thời gian, thứ duy nhất tôi có thẩm quyền để nói với các bạn, vì tôi già hơn, và các bạn thì vẫn còn trẻ để hiểu về nó.
Này những người trẻ, các bạn không phải là tầng lớp tiến bộ nhất của xã hội. Đừng nghĩ rằng các bạn luôn đúng.
Khi tôi còn trẻ, tôi thường nghĩ rằng mình là thế hệ “tiến bộ” nhất của nhân loại. Vì tôi là thế hệ trẻ nhất, được học tập những kiến thức tiến bộ nhất, được tiếp cận với những công nghệ hiện đại nhất, lại được học tiếng Anh, sống trong thời kì đất nước mở cửa, kinh tế phát triển… bla… bla. Vì vậy, suy nghĩ và hành động của tôi là tiến bộ và đúng đắn nhất, mọi thứ đang tồn tại đều là cổ hủ và lạc hậu.
Các bạn trẻ ạ, giờ các bạn bắn tiếng Anh như gió, đi nước ngoài như đi chợ, tham gia vào nền kinh tế chia sẻ, hội nhập toàn cầu, các bạn là chủ nhân của cách mạng 4.0, của robot và trí tuệ nhân tạo… Các bạn có đang nghĩ là các bạn tiến bộ hơn chúng tôi không?
Có đúng không. Sự thật là từ xưa đến nay, chẳng có thế hệ trẻ nào không tự tìm được lý do để tin tưởng chắc nịch rằng mình tiến bộ hơn thế hệ trước. Và rồi tất cả lại già đi, lại trở thành những”kẻ bảo thủ” trong con mắt của thế hệ kế cận. Cũng giống như thời trang tiến lên vài chục năm lại thấy xoay vòng, cuộc đời con người già đi thì lại giống như những thế hệ trước.
Những chàng trai cố gắng tìm cách thoát khỏi bóng hình người cha của mình, sẽ lại trở thành chính những người cha luôn tìm cách bao bọc con cái. Những cô gái khăng khăng không lấy chồng rồi sẽ lại trở thành những bà mẹ đầy yêu thương và hy sinh. Những bạn trẻ bốc đồng và liều lĩnh hôm nay, rồi sẽ lại trở thành những người lớn điềm tĩnh và thận trọng. Xã hội và thời cuộc thay đổi, nhưng cuộc đời con người về cơ bản thì vẫn đi theo những vòng tuần hoàn như thế.
Nên bạn trẻ à, đừng coi thường sức mạnh thay đổi của tuổi tác. Điều bạn tin rằng đúng là hôm nay, ngày mai có thể bạn sẽ không thấy đúng nữa. Giá trị mà bạn kiên quyết bảo vệ hôm nay, có thể là thứ ngày mai mà bạn phủ định. Bạn tưởng rằng mình đã biết tất cả, nhưng ngày mai bạn sẽ thấy rằng thực ra bạn chẳng biết gì đâu. Nên mới có cái chuyện đã cả ngàn năm rồi mà vẫn “các cụ nói cấm có sai”, bao tấn bi hài kịch tưởng là mới mẻ nhưng thực ra đã được ghi lại hết trong những Tam quốc chí hay những tác phẩm văn học kinh điển khác mà bạn chê là cổ hủ nên bỏ qua không đọc rồi.
Nên một lần nữa, nếu bạn đang say sưa với các ý tưởng mới mẻ về theo đuổi đam mê, về YOLO, về gap year, về khởi nghiệp, về Global Citizen, về lương 2000$… xin các bạn hãy tạm đặt xuống và để đầu óc mình được trống rỗng. Vì những gì mà tôi chuẩn bị viết tiếp theo đây, là một sức mạnh có thể biến tất cả những gì bạn tôn sùng hôm nay trở thành vô nghĩa trong ngày mai: đó là thời gian.
Này những người trẻ, có nhiều thời gian không phải lợi thế của các bạn đâu
Một lợi thế tưởng như hiển nhiên của người trẻ đó là các bạn còn trẻ, còn nhiều thời gian để trải nghiệm, để học hỏi, để sai lầm… Nhưng xin các bạn nhớ cho, nhân lực giá rẻ cũng một thời được cho là thế mạnh không thể chối cãi của Việt Nam, và rồi bây giờ thì bị xem như là một điểm yếu vì giá rẻ đồng nghĩa với việc thiếu chuyên môn cao. Cái bạn vẫn cho là ưu điểm hôm nay, có thể ngày mai bạn lại nhận ra nó là yếu điểm.
Nên trong lúc phần lớn các quan điểm ủng hộ người trẻ tận hưởng tuổi trẻ của mình, vì các bạn đang có nhiều thời gian, thì tôi lại muốn nhắc rằng: có nhiều thời gian không phải là lợi thế của các bạn đâu, mà là nhược điểm đấy.
Bạn nghĩ là 1 phút ở tuổi 20, nó dài hơn hay ngắn hơn 1 phút ở tuổi 30, hoặc 40, 50?
Bằng nhau ư? Không phải bằng nhau đâu.
Có hai loại thời gian, thời gian vật lý (clock time) và thời gian tâm lý (psychological time). Thời gian vật lý là thời gian trôi qua trên đồng hồ của bạn, còn thời gian tâm lý là cảm nhận của bạn về sự trôi nhanh hay chậm của thời gian trên chiếc đồng hồ ấy. Bởi thế mà mới có chuyện “ngày vui” thì “ngắn chẳng tày gang” mà “một ngày trong tù” lại dài bằng “thiên thu tại ngoại”. Thậm chí khi bạn nắm tay người yêu thì có thể thời gian còn đóng băng luôn lại nữa!
Theo nghiên cứu, thì bạn càng lớn, cảm nhận về thời gian tâm lý của bạn càng nhanh hơn. Một phút là một phút ở tuổi 20, đến 50 sẽ chỉ giống như 24s. Và một năm mà bạn cảm nhận ở tuổi 20, đến tuổi 50 sẽ trôi qua trong… 5 tháng!
Điều này có ý nghĩa gì?
Những người trẻ tưởng rằng thời gian mãi trôi đều đều như thế, và họ sẽ “mãi trẻ, mãi tự do”. Còn những người bước qua cái mốc 30 thì giật mình như thể cái chết đuổi kịp họ đến nơi mất rồi!
Không phải tuổi tác, không phải sức khỏe, cảm nhận về thời gian mới là thứ căn bản phân biệt người “trẻ” và “già”. Một người khi còn trẻ có thể muốn ôm lấy mọi thứ, đi đến mọi nơi, trải nghiệm mọi việc, nhảy từ mục tiêu này sang dự án khác, cho phép mình mắc sai lầm và trì hoãn bởi vì”còn thời gian mà”.
Rồi cũng người đó khi tuổi 30 gần đến, bỗng giật mình tìm cách giới hạn lại những mục tiêu, giữ lấy từng lời hứa, trân trọng từng mối quan hệ, đưa mình vào những kỉ luật, tìm cách ổn định với “một chỗ trong đời”, tất cả cũng chỉ vì lý do “sắp hết thời gian rồi”.
Nên bạn trẻ à, đôi khi bạn thấy đau đầu với các lựa chọn, bạn dùng dằng giữa đam mê và thực tế, bạn chông chênh và bất an khi thấy mình không thể yên định trong một công việc hay một mối quan hệ, bạn không hài lòng vì chưa trải nghiệm đủ, chưa tận hưởng đủ… đó chẳng phải là căn bệnh của thời đại, của thế hệ, của riêng bạn gì gì đâu. Đơn giản là bạn còn trẻ mà thôi. Sự dư thừa thời gian của tuổi trẻ tạo nên những vấn đề của riêng nó. Và vì thế mà nhiều khi người ta chọn những người trưởng thành cho một vài công việc cụ thể chỉ đơn giản vì họ đã “chín” hơn. Về điểm này thì tuổi trẻ không phải là một lợi thế.
Này những người trẻ, cội nguồn của mọi thông thái là trân trọng thời gian, thứ mà bạn vẫn chưa hiểu hết
Trong cuộc sống có hàng tá lời khuyên thông thái khác nhau, dễ khiến con người ta choáng ngợp. Nhưng nếu đem gộp chúng lại mà viết thành chỉ một câu, thì bạn có biết đó là câu gì không? Đó là “hãy hiểu về thời gian”.
Đức Phật dạy rằng chỉ có hiện tại là quan trọng nhất, hãy “ở đây, bây giờ, ngay lúc này”. Steve Jobs khuyên các bạn trẻ “thời gian của bạn không nhiều”, và “luôn nghĩ rằng mình sẽ sớm chết” sẽ giúp bạn “tạo ra những quyết định lớn trong đời”. Xã hội phương Tây đặt nền tảng của sự thịnh vượng trên sự chính xác của thời gian. Còn phương Đông xây dựng lòng nhân ái, tính minh triết trên khả năng nhẫn nhịn kiềm chế bản thân qua thời gian, và hành động đúng lúc, đúng chỗ, “thuận theo thời thế”.
Ý thức về thời gian là một điều kiện căn bản để đạt được sự thông thái. Chỉ có đặt trong ý thức về dòng chảy liên tục của thời gian, của sự hữu hạn đời người, sự chuyển biến không ngừng của vạn vật, người ta mới có thể có được tâm thế đúng đắn để tập trung vào những việc quan trọng, những giá trị bất biến, có được thái độ nghiêm túc với cuộc đời và hành động của chính mình.
Nên không phải tự nhiên khi người ta cứ nhắc đi nhắc lại rằng “khôn không tới trẻ, khỏe không tới già”. Cái người trẻ thiếu không phải là năng lực tư duy, mà là hiểu biết về thời gian để có tâm thế tiếp cận vấn đề một cách đúng đắn. Mà giống như “có sinh con mới hiểu lòng cha mẹ”, thời gian là một thứ người trẻ dễ biết, nhưng phải đến khi thành “người già” rồi các bạn mới thực sự hiểu.
Nên bạn trẻ à, khi bạn còn trẻ, dù bạn giỏi giang bao nhiêu, bạn vẫn sẽ mắc sai lầm, vẫn sẽ làm những điều sẽ khiến bạn hối hận. Vì khi chưa hiểu về thời gian, bạn chỉ hành động đúng cho tuổi trẻ của mình. Khi bạn đã hiểu về thời gian, bạn mới có sự sáng suốt để hành động đúng cho cả phần đời còn lại, và có lẽ cả sau khi phần đời còn lại của bạn đã kết thúc nữa. Vậy nên bạn trẻ à, tuổi trẻ có thể cho bạn sự cường tráng để thông minh, nhưng lại không có lợi cho sự thông thái của bạn đâu. Nhớ nhé.
Này những người trẻ, học cách tôn trọng những người lớn tuổi, và yên tâm là rồi bạn cũng sẽ già thôi
Bài viết này của tôi không hướng đến mục tiêu thuyết phục những người trẻ rằng hãy cố gắng mà rèn luyện ý thức về thời gian và khả năng hoạch định cuộc đời như của một ông già. Mặc dù hình dung về điều đó khá thú vị, giống như nhân vật Mr. Nobody trong bộ phim cùng tên có thể nhìn thấy toàn bộ tương lai của mình nên có thể đưa ra được những quyết định “chuẩn không cần chỉnh” ngay từ khi còn là một cậu bé.
Nhưng thực tế cuộc sống thì không phải như vậy, và tự nhiên có lý riêng khi sắp đặt những người trẻ cái đặc tính hoang phí thời gian còn những người già thì trầm ngâm tận hưởng từng giây phút một của cuộc sống.
Ở tuổi 20, người ta cần một trái tim nóng để bất bình, để nổi loạn, để quăng mình hết chỗ này đến chỗ kia, để nhặt lấy những mảnh ghép trong tính cách. Nhưng đến tuổi 30, người ta lại cần một cái đầu lạnh để ổn định, để những mảnh ghép có thể kết dính tạo một cá tính vững chắc. Một tuổi 20 nguội lạnh sẽ không thể giúp người ta nhận ra mình là ai, còn một tuổi 30 bồng bột cũng chẳng thể giúp người ta đạt được bất kì thành tựu vững chắc nào trong cuộc đời.
Vậy nên bạn trẻ à, hãy cứ tiếp tục sống với những khờ dại, khát khao tuổi trẻ của mình. Nhưng cũng hãy nhìn thấy những giới hạn trong chính “tuổi trẻ” hay “thời thanh xuân” mà các bạn đang tô vẽ thật lộng lẫy.
Và lần tiếp theo nhìn thấy những người lớn tuổi đang… mỉm cười, hãy chân thành lắng nghe và dành sự tôn trọng đối với họ. Vì có thể họ biết những điều mà bạn vẫn chưa hiểu hết. Và cứ yên tâm, rồi một ngày bạn cũng sẽ được… già thôi, nhưng cùng với tuổi tác, sự chín chắn, vững chãi và sáng suốt cũng sẽ đến với bạn, tiếp tục khiến cuộc đời của bạn trở nên thật tuyệt vời, chỉ là theo một cách khác.