• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

113633
Tổng số truy cập:113633
Khách đang online: 438
Mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng là gì? Viết trong CV sao cho chuẩn?
Ngày đăng tin: 10/01/2022 10:57

Xác định được mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng và biết cách thể hiện các mục tiêu này trong CV xin việc cũng như trong cuộc phỏng vấn là mối quan tâm của nhiều ứng viên. Thực tế, có những nguyên tắc nhất định giúp bạn thể hiện tốt nhất mục tiêu nghề nghiệp CSKH của mình, điều quan trọng là bạn cần nắm chắc và áp dụng linh hoạt.

Khi nói tới mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng hoặc các mục tiêu nghề nghiệp khác trong CV xin việc, bạn có thể nghĩ rằng có lẽ nhà tuyển dụng sẽ không thực sự chú ý và bạn có thể viết qua loa, miễn sao CV không bị trống là được. Tuy nhiên, nếu đó là quan điểm của bạn thì chắc chắn là quan điểm sai lầm. Đầu tư thời gian để viết tốt phần này, bạn sẽ nhận được hiệu quả cực kỳ tích cực đối với cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp của mình đấy.
 

Viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV xin việc chăm sóc khách hàng thế nào để gây ấn tượng?
 
I. Mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng là gì?
 
Nếu như trước đây, trong CV thường có phần tuyên bố cá nhân thì ngày nay, xu hướng thiết kế CV đã thay nội dung đó bằng mục tiêu nghề nghiệp. Điều đó phần nào cho thấy xu hướng trong tuyển dụng nhân sự - NTD quan tâm nhiều hơn tới mục tiêu của ứng viên và có thể coi đó như một căn cứ để lựa chọn người phù hợp cho vị trí đang tuyển.
 
Mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng được định nghĩa là mục tiêu phấn đấu cả về thu nhập, thăng tiến, thành công của nhân sự làm việc trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng, dịch vụ khách hàng. Thực tế thì mục tiêu này sẽ luôn khác nhau giữa mỗi cá nhân và nhất là khi chăm sóc khách hàng có ở hầu hết các ngành nghề cụ thể, lĩnh vực kinh doanh cụ thể - ví dụ CSKH thương mại điện tử, CSKH nhà hàng,... Tuy nhiên, thông thường thì các mục tiêu chính để hướng đến đều xoay quanh phát triển năng lực, kỹ năng và thăng chức, tăng lương.

II. Vì sao mục tiêu nghề nghiệp CSKH lại quan trọng trong CV?
 
Trong một lĩnh vực không bắt buộc bằng cấp chuyên nghiệp như chăm sóc khách hàng thì viết mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng trong CV thậm chí còn khó hơn các ngành khác. Lý do là vì nghề nghiệp này có nhiều ngã rẽ, nhiều lựa chọn công việc và thăng tiến trong tương lai nên những người đang làm việc trong ngành cũng có thể chưa rõ ràng về những gì mình muốn và làm sao để đạt được mục tiêu đó.
 
Trong CV xin việc, nhà tuyển dụng muốn biết về mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng của bạn để nắm được một phần thông tin vì sao bạn ứng tuyển, bạn có mong muốn và kỳ vọng gì đối với công việc này và liệu mục tiêu cá nhân của bạn có trùng với mục tiêu chung của doanh nghiệp hay không? Công ty có thể đáp ứng được kỳ vọng của bạn không và nhờ đó bạn nỗ lực đóng góp nhiều hơn hay không?
 
Suy cho cùng, quan hệ giữa ứng viên và nhà tuyển dụng là tìm hiểu về nhau kỹ càng để cân nhắc hợp tác trong lâu dài. Việc bạn chia sẻ về mục tiêu nghề nghiệp giúp họ có thể đánh giá đầy đủ hơn về bạn nên sẽ ảnh hưởng đáng kể tới kết quả xét duyệt CV. Bên cạnh đó, tâm lý của nhà tuyển dụng là tìm kiếm tài năng có mục tiêu rõ ràng, có tham vọng và động lực vì những người như vậy có thể kiên trì, không ngại thử thách.
 
III. Cách viết mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng chuẩn nhất

1. Rõ ràng về con đường sự nghiệp chăm sóc khách hàng
 
Bạn đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng hoặc muốn bắt đầu sự nghiệp trong ngành này, vậy bạn có biết gì về con đường thăng tiến, các khả năng mình có thể đạt được hay không? Bạn không thể không hiểu gì về nghề nghiệp của mình mà đã xác định mục tiêu, vì như vậy thì mục tiêu rất dễ chệch hướng và bất hợp lý.
 
Con đường sự nghiệp chăm sóc khách hàng có thể khác nhau tùy vào mỗi cá nhân, thời gian bạn cần để thực hiện mục tiêu cũng sẽ dài hơn ngay hắn hơn tùy thuộc vào chính bạn. Dù vậy, nhìn vào tổng thể thì lộ trình phổ biến nhất sẽ là:
  • Nhân viên CSKH/ Nhân viên hỗ trợ khách hàng/ Nhân viên tổng đài CSKH - Chuyên viên CSKH/ Chuyên viên sản phẩm - Trưởng phòng dịch vụ khách hàng - Giám đốc dịch vụ khách hàng (CCO).
  • Một lựa chọn khác là từ Nhân viên CSKH chuyển lên Chuyên viên CSKH, sau đó bạn có thể học và chuyển hướng về Marketing, Hành chính nhân sự hoặc Quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp...

Xác định các mục tiêu nghề nghiệp quan trọng cần viết trong CV chăm sóc khách hàng
 
2. Tuân thủ nguyên tắc viết mục tiêu nghề nghiệp CSKH
 
Có những nguyên tắc chung áp dụng cho cách viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV xin việc và đồng thời cũng có nguyên tắc riêng chỉ dành cho mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng. Dù mục tiêu cá nhân của bạn là gì, xuất phát điểm của bạn là ở vị trí nào trong ngành nghề này thì khi viết mục tiêu nghề nghiệp vào CV bạn nên đảm bảo:
  • Kiểm soát độ dài nội dung khi viết mục tiêu nghề nghiệp CSKH, chỉ nên trình bày trong khoảng 2 hoặc 3 câu/ 2 gạch đầu dòng.
  • Mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng dù ngắn hạn hay dài hạn cũng đều cần gắn với sự nghiệp CSKH, dịch vụ khách hàng hoặc lĩnh vực liên quan - không chia sẻ về các mục tiêu thuộc ngành nghề khác.
  • Trung thực với mục tiêu của bạn nhưng cân nhắc dựa trên tâm lý nhà tuyển dụng - viết những mục tiêu cho thấy bạn có thể đóng góp cho công ty, vừa phát triển mục tiêu cá nhân vừa nỗ lực đạt được mục tiêu chung; đồng thời, đừng quên bày tỏ nguyện vọng được làm việc, cống hiến lâu dài cho công ty.
  • Mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng của bạn phải phù hợp với số năm kinh nghiệm và bằng cấp, chẳng hạn ít kinh nghiệm thì bạn nên tập trung vào mục tiêu ngắn hạn và tránh đề cập tới khả năng thăng tiến lên giám đốc trong vài năm tới.
  • Cho thấy tham vọng của mình và sự tự tin, khẳng định có thể nỗ lực không ngừng để thúc đẩy bản thân thành công.
  • Nếu bạn có thế mạnh về bằng cấp, chứng chỉ hay kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực CSKH, dịch vụ khách hàng thì có thể khéo léo nhắc tới ở phần mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng trong CV xin việc.
  • Trình bày ngắn gọn và đúng trọng tâm, không cần giải thích vì sao bạn đặt mục tiêu như vậy.
3. Gợi ý cách viết mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng
 
Sau khi tìm hiểu về cách viết mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng trong CV xin việc kể trên, nếu bạn vẫn còn mông lung thì có thể đọc một vài ví dụ sau đây để được gợi ý chi tiết hơn về cách trình bày và tham khảo, biến đổi linh hoạt tùy theo mục tiêu cá nhân của bạn nhé.
 
3.1. Cách viết mục tiêu nghề nghiệp CSKH cho người có kinh nghiệm
 
Giả sử, bạn đã làm việc trong vai trò Nhân viên CSKH 1 năm thì khi muốn ứng tuyển vai trò mới trong lĩnh vực này (vẫn là Nhân viên CSKH) thì bạn có thể viết là:
  • Học hỏi và áp dụng thành thạo quy trình CSKH tiêu chuẩn của công ty, cung cấp trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng; hoàn thành các chỉ tiêu KPI về số lượng cuộc gọi thực hiện và tiếp nhận mỗi ngày.
  • Vận dụng tốt năng lực ngoại ngữ để giao tiếp thành thạo với khách hàng nước ngoài, phát triển kỹ năng CSKH và bán hàng, thăng tiến lên Chuyên viên CSKH sau 2 năm, hướng tới vị trí Phó phòng dịch vụ khách hàng sau 4 - 6 năm làm việc.
3.2. Cách viết mục tiêu nghề nghiệp CSKH cho người chưa có kinh nghiệm
 
Trong khi đó, với các bạn chưa có kinh nghiệm làm việc hoặc chưa từng thử sức trong lĩnh vực này thì mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng nên cho thấy sự tự tin, cam kết cống hiến nhưng đồng thời cũng cần có thái độ khiêm tốn. Nếu chưa chắc chắn, bạn chỉ nên viết về các mục tiêu ngắn hạn trong vòng 2 - 3 năm thay vì nói tới 5, 10 năm tới.
  • Thích nghi với môi trường làm việc tại công ty, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đạt được những thành tích cá nhân xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển chung của bộ phận CSKH nói riêng và công ty nói chung.
  • Thúc đẩy bộ kỹ năng CSKH, rèn luyện để phát triển khả năng giao tiếp và mở rộng mạng quan hệ, học thêm về kinh doanh và bán hàng; mục tiêu thăng tiến lên trưởng nhóm CSKH sau 3 năm.
4. Lỗi cần tránh khi viết mục tiêu nghề nghiệp CSKH
 
Ngoài việc tìm hiểu các nguyên tắc, mục tiêu nghề nghiệp CSKH thì bạn cũng nên biết về các lỗi hay gặp khi viết mục tiêu trong CV xin việc. Thông qua đó, bạn có thể biết mà tránh và đảm bảo nội dung mình trình bày hợp lý, thuyết phục hơn.
 
Một số lỗi nhỏ nhưng hay gặp với CV xin việc chăm sóc khách hàng phần mục tiêu nghề nghiệp là:
  • Tiền hậu bất nhất - mục tiêu nghề nghiệp CSKH nhưng lại đề cập tới mục tiêu ở ngành khác.
  • Viết dài, lan man thành cả đoạn văn hoặc chỉ viết 1, 2 gạch đầu dòng quá "cụt ngủn".
  • Mục tiêu nghề nghiệp không có sự chân thành, nghiêm túc, được cá nhân hóa mà viết chung chung, khó xác định thực hư.
  • Mục tiêu nghề nghiệp CSKH chỉ liệt kê những gì bạn muốn đạt được từ công ty, không trình bày xem bạn có chuẩn bị gì hoặc sẽ đóng góp gì cho công ty.
  • Không thể hiện được động lực phấn đấu của bạn, mục tiêu quá đơn giản không có tính thử thách.
  • Mục tiêu nghề nghiệp không liên quan tới vị trí CSKH.
  • Copy nguyên phần mục tiêu nghề nghiệp viết mẫu trong mẫu CV online...
Muốn khắc phục các lỗi thường gặp này, khi viết mục tiêu nghề nghiệp CSKH bạn hãy chắc chắn mình đã cân nhắc kỹ và viết dựa theo những nguyên tắc ở trên để đảm bảo ngắn gọn mà vẫn mạch lạc, rõ ràng và thể hiện được hình ảnh chuyên nghiệp của bản thân.
 

Một số lỗi khi viết mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng bạn cần tránh

IV. Cách thể hiện mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng trong phỏng vấn
 
Bên cạnh việc viết mục tiêu nghề nghiệp CSKH trong CV xin việc, bạn cũng cần chuẩn bị để sẵn sàng đề cập tới nếu được nhà tuyển dụng đặt câu hỏi trong cuộc phỏng vấn. Họ có thể muốn biết rõ hơn vì lý do tại sao bạn ứng tuyển vào công ty, bạn muốn đạt được mục tiêu gì và đã làm gì trên hành trình hướng tới mục tiêu đó.
 
Cách thể hiện mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng trong phỏng vấn trực tiếp sẽ hơi khác với CV. Ngoài việc đảm bảo thông tin trùng khớp với những gì bạn đã viết, hãy giải thích thêm về lý do của bạn, đặc biệt nhấn mạnh vào lòng yêu nghề, mong muốn được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp của công ty để học hỏi, cống hiến và thành công.
 
Qua những chia sẻ của Cevn, bạn đã thực sự hiểu về mục tiêu nghề nghiệp chăm sóc khách hàng là gì và cách trình bày trong CV, trong phỏng vấn hay chưa? Hãy luôn trung thực, chân thành và nỗ lực rèn luyện, chắc chắn bạn sẽ đạt được những mục tiêu của mình trong lĩnh vực năng động và thú vị như CSKH.
Số lượt đọc: 781 -