• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

111309
Tổng số truy cập:111309
Khách đang online: 232
Làm sao để đưa ra những lý do ứng tuyển thuyết phục mà nhà tuyển dụng nào cũng muốn nghe?
Ngày đăng tin: 02/06/2022 11:02

Nói đến lý do ứng tuyển, nhiều ứng viên bối rối bởi không biết trả lời như thế nào để thuyết phục nhà tuyển dụng. Một ứng viên xuất sắc sẽ biết cách trả lời với những lý do thú vị, hợp lý, có thể "hạ gục" bất cứ nhà tuyển dụng nào.

Với nhiều người, việc ứng tuyển vào một vị trí có thể là vì bạn thấy mức lương cao hoặc đơn giản là công ty gần nhà, bạn đang cần việc làm để trang trải cuộc sống, v.v. Tuy nhiên, khi trả lời nhà tuyển dụng thì bạn không nên nói tất cả những gì bạn nghĩ mà phải lựa chọn những gì cuốn hút nhất và diễn đạt hay nhất.
 

Một số lý do ứng tuyển gây ấn tượng mạnh với người phỏng vấn

I. Vì sao nhà tuyển dụng muốn biết lý do ứng tuyển của ứng viên?
 
Nói về những lý do ứng tuyển một cách trung thực, thú vị và ngắn gọn là một trong những mẹo để ứng viên gây ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng và hướng đến phỏng vấn thành công, có được công việc mình mơ ước. Để trả lời hay nhất, trước hết bạn cần hiểu vì sao nhà tuyển dụng lại "thích" đề cập đến các nguyên nhân ứng tuyển. Về cơ bản thì họ muốn kiểm tra kiến thức, sự hiểu biết của bạn về công ty, vị trí việc làm bạn ứng tuyển và thực trạng phát triển của ngành nghề.
 
Cụ thể, nhà tuyển dụng sẽ thông qua đáp án của ứng viên để đánh giá mục tiêu nghề nghiệp và kế hoạch cho tương lai, sự nhiệt tình và động lực của bạn nếu bạn được thuê và phần hấp dẫn nhất của công việc hoặc công ty đối với bạn. Nếu có thể đưa ra được các lý do thuyết phục, ứng viên sẽ tự tiếp thị bản thân như ứng viên phù hợp nhất, có đam mê và năng lực xuất sắc.

II. Một số lý do ứng tuyển "hạ gục" nhà tuyển dụng
 
1. "Tôi ứng tuyển vì từ lâu đã mơ ước được làm việc trong một doanh nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp như quý công ty"
 
Bạn cần phải hiểu rằng nói về lý do ứng tuyển là một cơ hội tuyệt vời để bạn tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng. Nếu bạn có thể cho thấy rằng mình vốn quan tâm đến công ty, thậm chí công ty nằm trong danh sách nhà tuyển dụng mơ ước thì mức độ yêu thích của người phỏng vấn với bạn sẽ tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, lý do này chỉ nên được đề cập trong trường hợp đó là doanh nghiệp lớn, nổi tiếng trong ngành nghề và có những sản phẩm, dịch vụ được nhiều người biết tới hoặc có môi trường làm việc tốt được nhiều người ca ngợi. Với những công ty nhỏ hoặc startup thì bạn nên thay bằng lý do khác.

2. "Ngay khi thấy mô tả công việc, tôi đã cảm thấy đây chính là vai trò mình tìm kiếm đã lâu"
 
Với đa số ứng viên, việc ứng tuyển vào một vai trò nào đó thường do đúng ngành nghề và cảm thấy bản thân có thể đáp ứng các yêu cầu trong mô tả công việc, phù hợp với các trải nghiệm trong quá khứ.
 
Khi nói ra lý do như trên, bạn có thể diễn giải rõ ràng rằng trước hết, bạn cảm thấy mô tả công việc rất thú vị - điều này có thể mang lại 2 hiệu quả rõ rệt: Khiến người phỏng vấn thấy vui vẻ nếu một trong số họ là người tạo ra thông báo tuyển dụng; đồng thời, bạn cũng khéo léo cho thấy bạn tự tin rằng mình sẽ làm tốt trong vai trò đó. Vì sao ư? Bởi nếu bạn đã được tuyển dụng trong một công việc tương tự trước đây thì bạn cũng sẽ thành công trong vai trò mới, dùng những gì tích lũy được để thay đổi, nỗ lực làm tốt hơn thế.


Trả lời lý do ứng tuyển khéo léo sẽ giúp bạn ghi điểm cao trong mắt nhà tuyển dụng

3. "Tôi cảm thấy công việc này có thể phát huy thế mạnh của bản thân và đóng góp những giá trị tích cực cho công ty"
 
Khi ứng tuyển, bạn đang cố gắng "bán mình" cho nhà tuyển dụng nên mục tiêu đầu tiên là để họ thấy rằng bạn có giá trị, phù hợp nhất và mang lại những đóng góp ý nghĩa cho cả tập thể. Bạn có thể xuất sắc nhưng nếu không hợp thì bạn vẫn sẽ không được lựa chọn. Lý do bạn đưa ra sẽ phần nào cho thấy bạn mong muốn dùng năng lực để tạo nên những thành tích nổi bật cho công ty chứ không phải dùng công việc làm bàn đạp để rồi "nhảy" sang các doanh nghiệp khác.

4. "Tôi có người quen từng/đang làm việc ở công ty, tôi được nghe rất nhiều về môi trường làm việc tuyệt vời ở đây"
 
Những nhà tuyển dụng lý thưởng thường quan tâm nhiều đến văn hóa doanh nghiệp và tiêu chí tuyển người cũng dựa theo việc ứng viên đó liệu có thích ứng và hòa đồng với môi trường làm việc hay không. Khi bạn đưa ra lý do rằng bạn được giới thiệu về nhiều yếu tố tích cực, bạn vừa cho thấy mình đã tìm hiểu rõ về công ty lại vừa làm nhà tuyển dụng hài lòng nhờ những đánh giá tốt. Không ai không muốn nghe những lời hay ý đẹp, nhất là khi nói đến thương hiệu tuyển dụng.

5. "Tôi bị hấp dẫn khi thấy một công việc thú vị có mức lương cao, có môi trường phát triển tốt với nhiều cơ hội"
 
Dù nói ra hay không thì ai cũng hiểu rằng mức lương, các điều kiện phúc lợi là một trong những tiêu chí quan trọng nhất khiến ứng viên gửi CV vào một vị trí công việc nhưng đề cập đến vấn đề "nhạy cảm" này như thế nào thì lại là một câu chuyện khác. Bạn có thể uyển chuyển để không thô lỗ khi nói đến tiền lương, chẳng hạn như vì thấy lương cạnh tranh nên bạn cảm thấy công ty đang kinh doanh tốt và môi trường thúc đẩy nhân viên nỗ lực, cạnh tranh để tạo nên giá trị lớn hơn, bản thân bạn cũng sẵn sàng thử thách giới hạn của bản thân, v.v.


Ứng viên cần lưu ý gì khi nói về lý do ứng tuyển?

III. Khi nói về các lý do ứng tuyển, bạn cần lưu ý gì?
 
1. Thể hiện sự nhiệt tình với công việc và công ty
 
Mỗi công ty sẽ có những vị thế khác nhau trên thị trường, phong cách và môi trường làm việc khác nhau và nếu muốn ứng tuyển thành công thì bạn phải hiểu về họ, ít nhất là qua việc đọc về sứ mệnh, mục tiêu, các sản phẩm, phương hướng phát triển, v.v. Bằng cách đó, bạn sẽ có kiến thức đầy đủ khi được hỏi về lý do ứng tuyển. Cho dù nói thế nào thì bạn cũng nên thể hiện sự nhiệt tình với công ty để gây ấn tượng tốt.

2. Đừng quên điều chỉnh kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với vai trò
 
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tập trung nói nhiều hơn về kinh nghiệm và kỹ năng của bạn, cố gắng xác định phần công việc chính của vai trò đòi hỏi gì, cộng với một vài "kỹ năng mong muốn" trong bản mô tả công việc và đảm bảo rằng bạn đáp ứng được điều đó.

3. Kết nối với quỹ đạo nghề nghiệp của bạn
 
Cuối cùng, bạn hãy chứng tỏ rằng vị trí có ý nghĩa đối với mục tiêu nghề nghiệp của bạn nhưng đừng tạo ra ấn tượng rằng bạn chỉ đang coi đó là "bàn đạp" - làm sao để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn muốn gắn bó lâu dài, dùng những kiến thức và kỹ năng mềm mình đã có cũng như sẽ tích lũy được trong quá trình làm việc để thành công trong công việc, giúp công ty phát triển lâu dài và bền vững. Như vậy, người phỏng vấn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi đầu tư vào bạn.
 
Một số ứng viên cho rằng dùng các lý do như muốn học hỏi, phát triển bản thân cũng có thể đề cập với nhà tuyển dụng nhưng đó cũng không hẳn là lý do thuyết phục. Khi giải thích với nhà tuyển dụng vì sao bạn ứng tuyển, hãy nhớ quan điểm của họ là tìm người "được việc" chứ không phải sẵn sàng cung cấp tài nguyên cho những giá trị không chắc chắn. Những cách khéo léo như trên sẽ hữu ích nhất, có thể "hạ gục" tất cả các nhà tuyển dụng.
Số lượt đọc: 712 -