• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

69623
Tổng số truy cập:69623
Khách đang online: 40
Kinh nghiệm xin việc làm Quản lý Kho
Ngày đăng tin: 27/09/2021 11:09

Với mức lương khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng và còn có thể cao hơn, quản lý kho đang trở thành công việc được nhiều người săn đón. Vậy làm thế nào để ứng tuyển vào vị trí này? Hãy cùng Cevn tìm hiểu một vài kinh nghiệm xin việc làm quản lý kho trong bài viết dưới đây nhé.

Quản lý kho là người phụ trách các công việc của bộ phận kho như giao nhận và lưu trữ hàng hóa, cân đối nhu cầu sử dụng hàng hóa cho hoạt động sản xuất hoặc kinh doanh của công ty và rất nhiều công việc khác. Vai trò của quản lý kho không giống như nhân viên kho thông thường; chính vì vậy mà yêu cầu của nhà tuyển dụng đặt ra với vị trí này cũng không hề đơn giản. Bài viết dưới đây của Cevn.com sẽ chia sẻ với các bạn một vài kinh nghiệm xin việc làm quản lý kho thành công.
 

Xin việc làm Quản lý kho không khó nếu như bạn có kinh nghiệm và kỹ năng tốt

Kinh nghiệm xin việc làm quản lý kho
 
1. Tìm hiểu mô tả công việc quản lý kho
 
Như đã nói ở trên, quản lý kho (kho hàng hoặc kho vật tư) là người phụ trách tất cả các hoạt động liên quan đến lưu trữ, bảo quản và vận hành hàng hóa trong kho, quản lý nhân viên làm việc trong kho như phụ kho, đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Về cơ bản, một người quản lý kho sẽ phải thực hiện những công việc như:
  • Tiếp nhận và sắp xếp hàng hóa, vật tư vào kho một cách khoa học.
  • Lập và liên tục cập nhật sơ đồ hàng hóa trong kho.
  • Đảm bảo điều kiện lưu trữ hàng hóa, vật tư theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Kiểm tra chứng từ, giấy tờ, số lượng hàng hóa và đảm bảo tính chính xác của chúng mỗi lần xuất hay nhập hàng.
  • Ghi phiếu nhập hàng, xuất hàng.
  • Nắm vững số lượng hàng tồn kho, đảm bảo mức tồn kho tối thiểu.
  • Đề xuất và lập phiếu mua hàng phục vụ nhu cầu hoạt động của công ty.
  • Đảm bảo các quy tắc an toàn, phòng cháy chữa cháy trong kho hàng.
  • Các công việc khác liên quan đến hoạt động của kho.
2. Tìm hiểu yêu cầu đối với quản lý kho
 
Tuy theo quy mô của công ty, kho hàng và đặc điểm của ngành hàng mà mỗi nhà tuyển dụng sẽ đưa ra một yêu cầu khác nhau đối với vị trí quản lý kho. Tuy nhiên, về cơ bản, một quản lý kho sẽ phải đáp ứng những yêu cầu sau:

2.1. Về kỹ năng chuyên môn
 
Về mặt chuyên môn, một quản lý kho giỏi là người có thể hoàn thành tất cả công việc liên quan đến quản lý kho một cách hiệu quả trong thời gian cho phép. Để có thể làm được điều này, họ cần phải có những kỹ năng như:
  • Kỹ năng hệ thống hóa thông tin sổ sách.
  • Kỹ năng sắp xếp hàng hóa trong kho một cách khoa học.
  • Kỹ năng quản trị rủi ro.
  • Khả năng tính toán và dự báo nhu cầu sử dụng hàng hóa.
  • Kỹ năng tin học văn phòng và sử dụng thành thạo ít nhất một phần mềm quản lý kho.
  • Nắm vững các nguyên tắc quản lý kho, an toàn trong quản lý kho.
2.2. Kỹ năng mềm
 
Bên cạnh các kỹ năng chuyên môn như đã được nêu trên thì quản lý kho còn cần phải có những kỹ năng mềm như khả năng phân tích và xử lý tình huống, kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm và giao tiếp tốt, tiếp thu nhanh,... Ngoài ra, sự trung thực, tỉ mỉ và nhạy bén trong công việc cũng vô cùng quan trọng nếu như muốn thành công trong vai trò này.

3. Viết CV xin việc
 
Cũng giống như rất nhiều công việc khác, CV đóng một vai trò vô cùng quan trọng, quyết định việc bạn có thuyết phục được nhà tuyển dụng trao cho mình cơ hội hay không. CV của bạn nên được tùy chỉnh theo yêu cầu của nhà tuyển dụng mỗi khi ứng tuyển. Bạn không nên sử dụng CV xin việc nhân viên kho để ứng tuyển quản lý kho hay nộp một CV cho nhiều vị trí khác nhau.
 
Trong CV, hãy làm nổi bật những thông tin liên quan đến các chứng chỉ mà bạn có, trình độ học vấn và cả kinh nghiệm của bạn. Kỹ năng và thành tích cũng là hai phần không thể thiếu trong CV xin việc quản lý kho.

Trong phần kinh nghiệm làm việc, bạn chỉ nên liệt kê những công việc có liên quan nhất đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển và có thể cho nhà tuyển dụng thấy được giá trị của bạn.
 
Phần kỹ năng, bạn nên sử dụng những từ ngữ có trong mô tả công việc của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, hãy nhớ là sử dụng chứ không phải lạm dụng. Trong trường hợp nhà tuyển dụng sử dụng hệ thống xét duyệt CV tự động, sử dụng từ khóa như vậy sẽ giúp bạn đảm bảo khả năng thành công cao hơn. Còn nếu nhà tuyển dụng sử dụng phương pháp xét duyệt thủ công thì họ cũng có thể dễ dàng nắm bắt thông tin quan trọng.
 
Bạn cũng nên liệt kê những thành tích hoặc giải thưởng có liên quan mà bạn đã đạt được trong công việc. Những thành tích này sẽ có ý nghĩa hơn nhiều so với điểm tốt nghiệp Đại học của bạn; đặc biệt là khi bạn có thể chứng minh thành tích bằng những con số cụ thể.
 

Những lưu ý khi xin việc làm Quản lý kho

4. Chuẩn bị phỏng vấn
 
Một trong những kinh nghiệm đi phỏng vấn xin việc quản lý kho là bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ ngoại hình cho tới kiến thức chuyên môn và thậm chí là cả các mẹo để trả lời câu hỏi phỏng vấn của nhà tuyển dụng. Trước khi đến phỏng vấn, hãy cố gắng tìm hiểu càng nhiều thông tin về công ty và nhà tuyển dụng càng tốt. Điều này không chỉ giúp bạn thể hiện mình là một người chu đáo mà còn giúp khẳng định sự quyết tâm của bạn khi ứng tuyển vào vị trí này.
 
Đây cũng là một vị trí quản lý và nhà tuyển dụng cũng luôn muốn thấy được bản lĩnh trong công việc của ứng viên. Họ cần tìm những người dám nói dám làm, có thể đưa ra ý tưởng và tự tin vào khả năng của bản thân. Về phương diện này, bạn có thể kể ra các ví dụ cụ thể khi còn làm ở công ty cũ để thuyết phục nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, để tăng thêm sự tự tin cho bản thân, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn sàng câu trả lời cho những câu hỏi phỏng vấn quản lý kho phổ biến nhất như:
  • Tại sao bạn lại chọn trở thành một quản lý kho?
  • Bạn có những tố chất gì/đã làm gì để biến mình thành một quản lý kho giỏi?
  • Thành tích tốt nhất mà bạn đã đạt được khi làm quản lý kho là gì?
  • Bạn sẽ làm gì khi phát hiện nhân viên kho ăn trộm đồ?
  • Công việc quản lý kho rất nhiều áp lực, bạn đã làm gì để rèn luyện mình trước những áp lực đó?
  • Sai lầm lớn nhất bạn mắc phải khi làm công việc quản lý kho là gì? Bạn đã làm gì để khắc phục sai lầm đó?
Để chinh phục được nhà tuyển dụng thì ngoài những điều như trên, bạn cũng nên xuất hiện trong buổi phỏng vấn với trang phục lịch sự. Đến sớm khoảng 5 phút cũng là một cách để bạn chứng minh cho ưu điểm của bản thân. Ngoài ra, đừng quên thể hiện một thái độ tích cực, tự tin trong suốt buổi phỏng vấn để khẳng định rằng bạn xứng đáng được ngồi vào vị trí quản lý kho này.
Số lượt đọc: 600 -