• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

58188
Tổng số truy cập:58188
Khách đang online: 496
ĐỂ THÀNH CÔNG: KỸ NĂNG MỀM CẦN THIẾT HƠN BẠN NGHĨ!
Ngày đăng tin: 18/03/2021 14:43

Một người làm nghề giáo viên cần phải thành thạo các phương pháp sư phạm, hiểu và sử dụng linh hoạt nhiều kỹ thuật giảng dạy khác nhau. Một người làm nghề dược sĩ cần phải có kiến thức sâu sắc về hóa học và dược học. Một người làm nghề kỹ sư cần phải biết đọc, vẽ bản vẽ kỹ thuật và nắm vững các kiến thức chuyên môn về xây dựng. Những kỹ năng nghề nghiệp kể trên được gọi là Kỹ năng cứng (Hard Skills), bao gồm các kỹ năng chuyên biệt, đặc trưng cho một ngành nghề nhất định, yêu cầu bạn phải thành thạo nếu thực sự muốn theo đuổi nghề nghiệp đó.

Kỹ năng cứng có thể đạt được thông qua việc học tập ở trường đại học, các chương trình đào tạo, khóa học ngắn hạn, và qua quá trình thực tập. Những kỹ năng này có thể dễ dàng xác định và đánh giá thông qua các bài kiểm tra chuyên môn và các kỳ sát hạch nghiệp vụ. Tuy nhiên khi tiếp xúc với thực tế công việc, các nhà tuyển dụng đòi hỏi ở ứng viên nhiều hơn là kiến thức chuyên môn và Kỹ năng cứng mà họ có. Bên cạnh Kỹ năng cứng, Kỹ năng mềm (Soft Skills) ngày càng được quan tâm và đóng vai trò quan trọng trong quá trình làm việc.

Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, Kỹ năng mềm đóng góp tới 85% vào thành công sự nghiệp của bạn, trong khi đó các Kỹ năng cứng chỉ đóng góp 15%.
 

VẬY KỸ NĂNG MỀM LÀ GÌ?
 
Kỹ năng mềm là các đặc điểm tính cách và kỹ năng xã hội có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng làm việc của bạn và cách mà bạn tương tác với những người xung quanh. Đây là một định nghĩa rộng, bởi Kỹ năng mềm bao gồm rất nhiều dạng kỹ năng thuộc nhiều khía cạnh  khác nhau, ví dụ như thái độ làm việc, kỹ năng tạo mối quan hệ, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề, thông minh cảm xúc... Có hai dạng kỹ năng mềm chính bao gồm: (1) Kỹ năng Cá nhân và (2) Kỹ năng Xã hội.
 
Một số Kỹ năng Cá nhân có thể kể đến như:
 
1. Sự tự tin

2. Khả năng tự nhận thức

3. Lòng trắc ẩn

4. Tư duy phản biện

5. Sự kiên trì

6. Kiểm soát cảm xúc

7. Vượt qua khó khăn

8. Khả năng quan sát

9. Tư duy cải tiến

10. Quản lý thời gian
 
...
 
Một số Kỹ năng Xã hội có thể kể đến như:
 
1. Làm việc nhóm

2. Giao tiếp hiệu quả

3. Kiểm soát mâu thuẫn

4. Giải quyết vấn đề

5. Thích nghi và linh hoạt với môi trường

6. Thiết lập và duy trì các mối quan hệ

7. Kỹ năng thuyết phục

8. Kỹ năng đàm phán và thương lượng

9. Kiểm soát kỳ vọng

10. Kỹ năng lãnh đạo
 
...
 
VÌ SAO KỸ NĂNG MỀM QUAN TRỌNG?
 
Tình trạng thất nghiệp đáng báo động của sinh viên mới ra trường hay của người trẻ tuổi nói chung đã trở thành một chủ đề quen thuộc của nhiều báo cáo trong một vài năm trở lại đây. Trong đó đã có nhiều nỗ lực để tìm hiểu lý do vì sao họ chật vật tìm kiếm một công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp, và hai lý do chính được đề cập tới là: (1) Sự thiếu hụt khả năng ngoại ngữ (đặc biệt là Tiếng Anh), và (2) Sự thiếu hụt các kỹ năng mềm. Dần dần những sinh viên mới tốt nghiệp, đang tìm việc làm hay vừa bắt đầu đi làm nhận ra rằng việc có được bằng tốt nghiệp với kết quả xuất sắc và sở hữu các kỹ năng cứng (ví dụ như: viết báo, sử dụng phần mềm kế toán, ....) là chưa đủ để bảo đảm một công việc tốt. Ngày nay, họ cần phải sở hữu một số lượng các kỹ năng mềm nhất định để có thể thành công trong môi trường làm việc ngày một cạnh tranh.
 
 
 
Dưới đây là một số lý do vì sao Kỹ năng mềm lại được coi trọng trong môi trường làm việc:
 
1. Với hầu hết các công việc, nếu thiếu đi Kỹ năng mềm, Kỹ năng cứng hay Kỹ năng chuyên môn đơn thuần không mang lại hiệu quả cao. Ví dụ: một người kinh doanh về một mặt hàng có tính cạnh tranh cao, nếu không có các kỹ năng xã hội như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tiếp thị, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng chốt đơn hàng và duy trì khách hàng thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bán hàng. Tương tự như vậy, một người ở vị trí quản lý trong doanh nghiệp cần có khả năng lắng nghe nhân viên, có kỹ năng giao tiếp, thuyết trình tốt và khả năng tư duy sáng tạo để khiến bộ máy nhân lực hoạt động hiệu quả. Tất cả các nghề nghiệp đều yêu cầu ít nhất một vài kỹ năng mềm để khiến cho kỹ năng cứng của họ trở nên có giá trị.
 
2. Không giống như Kỹ năng cứng có thể được học hỏi tương đối dễ dàng thông qua quá trình đào tạo ở trường lớp, kỹ năng mềm khó học hơn và cũng khó để đo lường hơn, bởi nó không liên quan tới kiến thức và chuyên môn. Kỹ năng mềm liên quan nhiều hơn tới đặc điểm tính cách cá nhân của bạn. Việc rèn luyện kỹ năng mềm cần nhiều nỗ lực nhận thức, sự luyện tập liên tục, và giữ vững cam kết của mình trong việc hoàn thiện và phát triển bản thân qua thời gian. Nếu như các kỹ năng cứng có thể đảm bảo với nhà tuyển dụng về chuyên môn của bạn, thì kỹ năng mềm sẽ gây ấn tượng và khiến bạn trở nên nổi bật giữa các ứng viên có kiến thức chuyên môn giống nhau.
 
3. Một trong những lý do khác khiến nhà tuyển dụng có xu hướng tìm kiếm ứng viên sở hữu kỹ năng mềm là bởi những kỹ năng này rất linh hoạt và có thể sử dụng trong bất kỳ vị trí công việc nào. Điều này khiến cho những ứng viên với kỹ năng mềm tốt có khả năng thích nghi tốt và tính linh hoạt cao, và sẽ đem lại nhiều giá trị cho công việc cũng như cho doanh nghiệp.
 
4. Môi trường làm việc ngày nay mang tính xã hội cao, bạn không chỉ làm việc một mình mà còn làm việc trong tập thể, với cấp trên và những người đồng nghiệp. Do vậy khả năng giao tiếp, tương tác, lắng nghe và hợp tác với những người xung quanh ngày càng trở nên đặc biệt cần thiết và quan trọng. Việc sở hữu các kỹ năng xã hội này sẽ đảm bảo một môi trường làm việc năng suất và lành mạnh, tất cả đều đóng góp cho sự phát triển của tổ chức hay doanh nghiệp mà bạn làm việc.
 
5. Thị trường hàng hóa ngày nay cung cấp cho khách hàng những lựa chọn không giới hạn thông qua các giải pháp công nghệ trên internet và smartphone như ứng dụng, mạng xã hội, thẻ thanh toán online… Với khách hàng, sự tiện lợi và giá cả phù hợp là những tiêu chí mà họ thường sử dụng để mua hàng, tuy nhiên dịch vụ khách hàng mà một doanh nghiệp cung cấp cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định lựa chọn hàng hóa của họ. Kỹ năng giao tiếp hiệu quả với khách hàng vì vậy trở nên cần thiết để đảm bảo cung cấp các dịch vụ tốt nhất đem đến sự hài lòng cho khách hàng, và là một yếu tố quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp.
 
6. Các nghề nghiệp trong tương lai có xu hướng dựa vào các kỹ năng mềm. Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp giải quyết nhiều công việc mang tính chuyên môn và kỹ năng cứng, do đó kết quả sẽ là sự xuất hiện của các công việc sử dụng nhiều tới kỹ năng mềm, vốn dĩ là những kỹ năng máy móc không thể học được. Trên thực tế, báo cáo của Diễn Đàn Kinh tế Thế giới về Nghề nghiệp năm 2018 đã gợi ý rằng, tới năm 2020, các kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý con người và thông minh cảm xúc sẽ là những kỹ năng quan trọng nhất cần thiết cho môi trường làm việc.
 
 
 
Không thể phủ nhận một thực tế rằng người trẻ ngày nay cần trở nên linh hoạt hơn và không ngừng học hỏi để đáp ứng với sự thay đổi liên tục của môi trường làm việc cũng như yêu cầu trong công việc. Việc sớm nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm và có kế hoạch rèn luyện các kỹ năng này hiệu quả sẽ giúp các bạn trẻ tăng tính cạnh tranh trong hồ sơ ứng tuyển của mình, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và có được các vị trí công việc tốt trong tương lai.
Số lượt đọc: 508 -