10 PHƯƠNG PHÁP HỮU ÍCH GIÚP TĂNG KHẢ NĂNG TẬP TRUNG CỦA BẠN
Ngày đăng tin: 16/03/2021 09:44
Bạn đang ngồi tại bàn, sẵn sàng bắt tay vào hoàn thiện một số công việc quan trọng. “Được rồi, bắt đầu nào” - bạn thầm nghĩ. Bạn mở một trang Word mới tinh và bắt đầu đánh máy vài chữ. Một số ý tưởng nảy ra trong đầu bạn. Nhưng chỉ sau một lúc, bạn bắt đầu mất tập trung và nhìn xung quanh. “Có lẽ mình nên khiến cho bản thân tỉnh táo hơn bằng một vài hoạt động thú vị” - bạn mở chiếc điện thoại đang đặt cạnh bàn và bắt đầu lướt Facebook. Khi ngẩng đầu lên nhìn đồng hồ thì 30 phút đã trôi qua. Bạn tiếp tục lướt điện thoại, và rồi sau nửa ngày bạn thấy rằng mình vẫn chưa làm xong được việc gì cả!
Những tình huống như trên có quen thuộc với bạn không? Bạn có bắt gặp bản thân xao nhãng mỗi khi cần dành thời gian tập trung cho một hoạt động quan trọng như học bài, ôn thi, làm việc…? Vậy thì bài viết này là dành cho bạn!
Nhưng trước hết, có một số điều bạn cũng cần biết:
- Chống lại các cám dỗ từ kích thích gây xao nhãng thực sự khó: Bạn không phải là người duy nhất cần phải đấu tranh với các hoạt động gây xao nhãng, đặc biệt là khi làm những công việc cần sự tập trung trong thời gian dài. Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính, iPad… khiến cho bạn càng gặp khó khăn hơn trong việc tập trung, bởi các kích thích gây xao nhãng (tin nhắn, email, thông báo, ứng dụng,…) xuất hiện dày đặc hơn bao giờ hết. Mục đích của sự phát triển công nghệ là để hỗ trợ con người, giúp chúng ta làm việc dễ dàng hơn, giao tiếp nhanh chóng và hiệu quả hơn, tiếp cận với nhiều thông tin hơn… Trong khi các ưu điểm của công nghệ là không thể phủ nhận, thì việc lạm dụng công nghệ không thực sự cải thiện khả năng làm việc hay học tập, thậm chí còn làm giảm năng suất của chúng ta. Một vài người có khả năng tập trung rất cao, điều này khiến cho năng suất làm việc của họ trở nên đáng kinh ngạc. Tuy nhiên không phải ai cũng làm được như vậy, và có thể bạn nằm trong số đó. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao họ làm được mà không phải bạn? Bí quyết của họ là gì?
-
- Bạn có thể chưa bao giờ được dạy cách để tập trung: Điều thú vị là trường học có thể dạy bạn rất nhiều kiến thức, nhưng lại chưa bao giờ dạy bạn cách để tập trung và học tập hiệu quả - vốn là hoạt động quan trọng nhất để tiếp thu kiến thức. Chính vì vậy mà những học sinh tự rèn luyện được cho mình khả năng tập trung cao có thể đạt được điểm số và thành tích học tập cao hơn những học sinh khác. Sau khi ra trường và bước chân vào thế giới việc làm, những người có sự tập trung cao cũng cho thấy hiệu suất làm việc cao hơn, từ đó có khả năng được thăng chức, tăng lương và đạt được thành công hơn trong công việc.
-
- Khả năng tập trung có thể được cải thiện thông qua việc tự học tập và rèn luyện: Bởi vì chúng ta không được dạy cách để tập trung, nên khả năng tập trung của mỗi người phụ thuộc vào việc tự họ học hỏi và rèn luyện khả năng này như thế nào. Tìm được cho mình phương pháp phù hợp để cải thiện sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều nhằm nâng cao hiệu suất trong học tập và công việc.
10 PHƯƠNG PHÁP HỮU HIỆU GIÚP TĂNG KHẢ NĂNG TẬP TRUNG
Năng suất không phải là bạn dành bao nhiêu tiếng trong ngày để làm việc. Bạn sẽ thấy rằng có những ngày bạn chỉ làm việc trong 3-4 giờ đồng hồ, nhưng khối lượng công việc hoàn thành còn nhiều hơn những ngày bạn dành ra tới 8 tiếng ngồi trên bàn làm việc. Vì vậy hãy tham khảo 10 phương pháp giúp tăng sự tập trung dưới đây để làm việc hiệu quả hơn nhé!
1. Hãy giữ tầm nhìn và mục tiêu của bạn trong đầu:
Việc đầu tiên, bạn phải hiểu lý do vì sao mình cần tập trung, cả về ngắn hạn và về dài hạn. Mục tiêu dài hạn của bạn là gì? Bạn muốn hoàn thành công việc tốt để được tăng lương? Bạn muốn ghi nhớ kiến thức thật tốt để đạt điểm cao trong kỳ thi? Bạn muốn dành thời gian viết một cuốn sách để thỏa mãn niềm đam mê? Vậy còn mục tiêu ngắn hạn, trong ngày hôm nay, trong buổi làm việc này, trong buổi học này, bạn muốn tập trung làm việc gì? Hãy suy nghĩ về tất cả những điều trên. Một khi bạn đã hiểu rõ mục tiêu của mình và luôn nhắc nhở bản thân, bạn sẽ có động lực để giữ vững sự tập trung đối với công việc và tránh xa các cám dỗ.
2. Chia nhỏ công việc cần làm thành các đầu mục nhỏ và lập một danh sách:
Hãy lên danh sách các việc cần làm để giúp bản thân tránh cảm giác bị ngợp trước công việc quá lớn hay quá phức tạp. Từ đó bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi bắt tay vào công việc và theo dõi được tiến độ làm việc của mình. Sau khi hoàn thành một đầu mục, hãy lấy bút gạch ngang đầu mục đó trong danh sách. Với càng nhiều đầu mục được gạch đi trong danh sách, bạn sẽ càng phấn chấn hơn vì biết rằng mình đang làm việc hiệu quả, từ đó làm tăng độ tập trung và năng suất công việc.
3. Lựa chọn “thời gian vàng” để làm việc của bạn:
Trong một ngày, nếu để ý bạn có thể nhận ra có những khung thời gian bạn làm việc rất hiệu quả, và có những khung thời gian bạn cực kỳ uể oải, không muốn làm gì hết. Vì vậy, hãy theo dõi bản thân trong 1 tuần và ghi chép lại thời gian mà bạn làm việc năng suất nhất trong ngày. Sau 1 tuần, bạn hãy chọn ra khung thời gian mình thường làm việc năng suất nhất để tạo thành một lịch cố định, và chỉ thực hiện các công việc quan trọng nhất trong khoảng thời gian này.
4. Thông báo “Đừng làm phiền” tới những người xung quanh:
Trong quá trình làm việc, nhiều khi bạn không tránh khỏi việc những người xung quanh cố gắng bắt chuyện hay liên lạc với mình. Có thể là một người bạn gọi điện rủ đi chơi, một người đồng nghiệp đến bắt chuyện để chia sẻ về công việc của họ. Những lúc này, hãy để điện thoại, máy tính, email ở chế độ im lặng, thông báo với người khác rằng bạn đi vắng hoặc nhắc họ đừng làm phiền khi bạn tập trung làm việc trong những khung thời gian nhất định.
5. Loại bỏ tất cả các kích thích gây xao nhãng
“Out of sight, out of mind” - Không nhìn thấy thì sẽ không nghĩ tới - đây là một bí quyết để giúp bạn tránh xa các yếu tố gây mất tập trung. Hãy để điện thoại, máy tính, tivi… ở một nơi khác, không trong tầm nhìn hay trong khả năng tiếp cận của bạn. Ví dụ khi học bài, khi làm việc, bạn hãy cất điện thoại trong tủ hoặc để ở một căn phòng khác. Nếu công việc buộc bạn phải sử dụng máy tính hay điện thoại, hãy tắt tất cả các thông báo từ các ứng dụng, phần mềm, trang web khác và chỉ sử dụng những ứng dụng, trang web cần thiết cho công việc thôi nhé.
6. Sắp xếp những khoảng nghỉ ngơi ngắn
Nếu một công việc cần nhiều thời gian để hoàn thành, hãy dành khoảng 5 phút thư giãn sau 1 tiếng làm việc để nạp năng lượng và lấy lại sự tập trung. Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng 5 phút này không nên là 5 phút sử dụng điện thoại hoặc máy tính. Hãy đứng dậy và đi ra ngoài hít thở không khí, đi vệ sinh, lấy một cốc nước, hỏi thăm đồng nghiệp xung quanh… Bạn sẽ thấy cơ thể mình được vận động và đầu óc trở nên tỉnh táo, minh mẫn hơn nhiều.
7. Hãy tạo ra những phần thưởng cho bản thân
Để giữ cho mình động lực làm việc, đôi khi bạn cần thưởng cho mình những món quà nho nhỏ vì sự cố gắng của bản thân để hoàn thành công việc. Ví dụ, bạn có thể động viên bản thân rằng: “Sau khi hoàn thành việc này, mình sẽ đi xem một bộ phim thật hay”, “mình sẽ đi cafe nói chuyện với bạn bè”, “mình sẽ mua món bánh yêu thích về để thưởng thức”... Đây cũng là một cách tạo động lực cho bạn để hoàn thành công việc tập trung và nhanh chóng hơn.
8. Tạo cho mình một không gian làm việc phù hợp
Hãy giữ cho nơi làm việc của bạn sạch sẽ và gọn gàng, loại bỏ tất cả những vật dụng không cần thiết hoặc gây xao nhãng đồng thời để những vật dụng cần thiết trong tầm với của bạn. Một bàn làm việc ngăn nắp sẽ làm nguồn cảm hứng cho bạn để bắt đầu công việc một cách đầy hứng khởi. Nếu công việc của bạn yêu cầu thời gian ngồi rất lâu, một chiếc ghế thoải mái sẽ là trợ thủ đắc lực giúp bạn tập trung làm việc.
9. Cân bằng các lựa chọn thực phẩm của bạn
Việc ăn uống lành mạnh không chỉ mang lại lợi ích về mặt sức khỏe cho bạn, mà còn giúp bạn trở nên năng suất hơn. Khi đói, bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn để tập trung làm việc, nhưng nếu quá no thì hậu quả cũng tương tự. Hãy bổ sung năng lượng bằng những thực phẩm giàu dinh dưỡng và ăn ở một lượng vừa phải. Một cốc cafe, một cốc trà hoặc vài thanh protein sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho bạn.
10. Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của bạn nói chung, và làm giảm năng suất trong công việc. Hãy đảm bảo bạn đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc để thức dậy đầy sảng khoái và có một ngày làm việc thật hiệu quả nhé!