"Câu giờ" khi đàm phán lương
Ngày đăng tin: 14/05/2019 20:40
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng tiền lương không phải là điều duy nhất khiến lời đề nghị có ý nghĩa, đồng thời đây cũng không phải là quyền lợi duy nhất mà ứng viên có thể thương lượng.
Nếu vì bất cứ lý do gì đó, nhà tuyển dụng tương lai của bạn không sẵn sàng đàm phán thêm lương, hãy nhớ rằng có nhiều lợi ích khác để xem xét như các đặc quyền nghỉ phép, làm việc từ xa, hay chăm sóc sức khoẻ. Cùng CE xem ngay vài mẹo nhỏ để “câu giờ” tìm yếu tố thích hợp duy trì mục tiêu đàm phán thêm quyền lợi cho mình, bạn nhé!
XEM XÉT KHÔNG GIAN LÀM VIỆC
Có một số quyền lợi mà khi nhắc đến không gian làm việc về mặt vật lý hầu như luôn được đôi bên thảo luận, đây là một số gợi ý:
Văn phòng của bạn nằm ở đâu?
Càng đi vào các vòng sâu hơn trong quy trình phỏng vấn, nhiều khả năng bạn sẽ có dịp được nhà tuyển dụng được đưa đi tham quan các khu vực văn phòng của công ty đang ứng tuyển. Đây là cơ hội để bạn quan sát và cảm nhận không khí làm việc không quá khác biệt so với thực tế nếu tương lai bạn được nhận vào công ty.
Ví dụ như nếu bạn không thích làm việc trong một “chiếc hộp tối tăm u ám”, hãy cân nhắc đề nghị được bố trí chỗ ngồi tại khu vực văn phòng có cửa sổ. Chức danh hoặc cấp bậc của công việc càng cao thì yêu cầu này càng dễ đàm phán. Còn nếu bạn biết mình sẽ làm việc tốt hơn trong không gian yên tĩnh, thì hãy nói ngay điều này trong lúc đi tham quan văn phòng.
Khi đặt các câu hỏi về không gian làm việc, bạn nên sử dụng ngôn ngữ trung lập. Có thể thử nói điều gì đó như, “Tôi nhận thấy mình thực sự phát huy tốt nhất mọi khả năng trong văn phòng bố trí theo phong cách truyền thống. Công ty có những lựa chọn thay thế cho những nhân viên có nhu cầu khác nhau không?”
Làm việc tại nhà một, hai ngày mỗi tuần
Điều này sẽ xuất hiện khá sớm trong quá trình phỏng vấn, đặc biệt nếu đó là một vấn đề có khả năng khiến thoả thuận bị thất bại. Hãy hỏi người sẽ là sếp trực tiếp của bạn xem có bất kỳ sự linh hoạt nào về địa điểm làm việc cho nhân viên hay không. Ngay cả khi bạn không đưa ra câu hỏi rõ ràng, nhiều khả năng bạn vẫn có thể căn cứ vào cách phản hồi thông tin của công ty để biết đây là có phải là điều bạn thoả thuận thêm được hay không.
NHU CẦU CÔNG NGHỆ
Bạn có thể yêu cầu quyền truy cập vào một số loại công nghệ nhất định nếu xét thấy đó sẽ một phần không thể thiếu, tác động vào khả năng thực hiện tốt nhất công việc của bạn. Nhu cầu này có thể bao gồm các phần mềm, phần cứng, thuê bao các loại sản phẩm hoặc dịch vụ công nghệ có liên quan đến công việc.
Với các quyền lợi về mặt tiếp cận và sử dụng công nghệ, yêu cầu hoàn toàn có thể chờ đến khi lời đề nghị nhận việc đã được đưa ra mới bắt đầu thương lượng.
CÂN NHẮC GIÁ TRỊ CỦA LỢI ÍCH HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI
Hãy dành thời gian tự đặt câu hỏi và hiểu tường tận về các gói quyền lợi hiện tại bạn đang sở hữu trước khi chính thức tham gia vào cuộc thảo luận này với nhà tuyển dụng tiềm năng trong tương lai; dù rằng nhà tuyển dụng đang có đủ động cơ để chi trả nhiều quyền lợi hơn nhằm lôi kéo bạn về tổ chức, nếu bạn không thể giải thích được về những gì mình đang có thì họ cũng không thể dễ dàng đáp ứng đòi hỏi.
Dưới đây là hai trong số các khoản quyền lợi ngoài lương mà bạn có thể cân nhắc đưa lên bàn đàm phán:
- Mức đóng bảo hiểm y tế và/ hoặc bảo hiểm xã hội của bạn: Trong bối cảnh xã hội nói chung và thực trạng vấn đề bảo hiểm nói riêng luôn thay đổi, có khả năng tỷ lệ đóng của người lao động sẽ phải tăng lên. Vì thế, hãy đàm phán để nhà tuyển dụng đóng toàn bộ bảo hiểm bắt buộc theo quy định của nhà nước cho bạn, hoặc chí ít là bạn sẽ không đóng nhiều mức hiện tại đang đóng ở công ty cũ.
- Chi phí đi lại: Nếu đang nhận được những quyền lợi cụ thể về việc di chuyển và đi lại trong công việc cũ, hãy đảm bảo bạn đã đề cập đến nó trong buổi phỏng vấn cuối cùng. Quyết định bỏ qua các lợi ích này trong gói chi trả cho công việc mới sẽ khiến bạn mất đi một khoản tiền có thể lên đến hàng triệu đồng mỗi tháng. Hãy thảo luận để biết liệu bạn có được cấp công tác phí, thẻ taxi, hay chi phí tiếp khách, đổ xăng, gửi xe… hàng tháng.
THOẢ THUẬN BẰNG GIẤY TỜ CHÍNH THỨC
Bất kể bạn đang ứng tuyển vào công ty hay tổ chức nào, một khi đã kết thúc đàm phán và chấp nhận lời đề nghị của nhà tuyển dụng, hãy đảm bảo bạn đã được cung cấp bản mô tả công việc cùng các cam kết về lợi ích được ký tên chính thức trước khi vào làm việc. Đây là cơ hội cuối cùng để bạn rà soát lại một lượt các quyền lợi hợp lý của mình.
Hãy chắc chắn rằng mọi quyền lợi mà bạn yêu cầu đều được viết chi tiết trong bản thoả thuận, đặc biệt là các lợi ích phi truyền thống. Nếu nhà tuyển dụng liệt kê chưa đầy đủ hoặc rõ ràng, đừng ký thoả thuận cho đến khi nó phản ánh chính xác tất cả mọi điều đôi bên đồng lòng cam kết.
Nếu bạn được tuyển dụng dưới hình thức nhân viên làm việc từ xa (hoặc tại nhà) hay là nhân viên được cấp chi phí đi lại, hãy kiểm tra nhằm chắc chắn điều này cũng được ghi rõ trong thoả thuận. Phòng trường hợp sau này, nếu quản lý của bạn quyết định cắt giảm hai quyền lợi đó, bạn có cơ sở để đàm phán lại một lần nữa vì đây là một phần chính thức trong gói chi trả cần thiết để bạn gắn bó cùng công ty. Đừng để lợi ích của mình chỉ có giá trị trong một lời hứa suông hay cái bắt tay không chính thức!