Chuyện làm lãnh đạo: khả năng trời sinh hay cần rèn luyện?
Ngày đăng tin: 18/11/2019 21:37
Tương tự như thế, “lãnh đạo là khả năng bẩm sinh hay được tạo nên” cũng là câu hỏi tạo ra rất nhiều tranh cãi suốt thời gian qua. Ngay sau đây, hãy cùng Cevn.com.vntheo dõi một bài viết được chia sẻ bởi Brigette Hyacinth – chuyên gia và diễn giả truyền cảm hứng về lãnh đạo, tác giả của quyển sách “The Edge of Leadership: A Leader's Handbook for Success” – để có cái nhìn đa chiều và thấu đáo hơn về chủ đề muôn thuở này nhé!
LÃNH ĐẠO LÀ KHẢ NĂNG BẨM SINH
Thuyết Great Man và thuyết Tính Cách (Trait Theory) tin rằng có một số người được thừa hưởng những phẩm chất và đặc điểm nhất định khiến họ phù hợp với việc lãnh đạo. “Nếu cho rằng các nhà lãnh đạo khi xuất hiện không mang những phẩm chất phi thường tức là ngụ ý rằng mọi người trên thế giới này đều được sinh ra với năng lực và tài nghệ như nhau.” – (Thomas Carlyle, 2840)
Có những tính cách bẩm sinh nhất định khiến một số người được định sẵn sẽ trở thành lãnh đạo. Luôn có sự khác biệt đáng kể giữa “học một kỹ năng” và “thông thạo một kỹ năng”. Giống như việc có vài người được sinh ra với năng khiếu âm nhạc hoặc thể thao đặc biệt. Họ sẽ nổi bật một cách tự nhiên ở lĩnh vực đó trong khi những người khác phải đấu tranh vất vả mới có thể đạt được vị trí tương tự.
Những nhà lãnh đạo bẩm sinh (tự nhiên) khác với những nhà lãnh đạo được tạo ra (sau quá trình rèn luyện). Mọi nhà lãnh đạo xuất chúng đều có một lịch sử huy hoàng phía sau. Họ đã là lãnh đạo ngay từ vạch xuất phát.
Nhưng nếu khả năng lãnh đạo là do thiên bẩm, vậy mục đích của hầu hết chúng ta là gì khi vẫn học về nghệ thuật lãnh đạo và quản lý? Sinh ra là một quá trình tự nhiên và các khái niệm liên quan đến khả năng lãnh đạo vẫn rất gây tranh cãi.
KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO ĐƯỢC HÌNH THÀNH QUA RÈN LUYỆN
Thuyết Hành Vi (Behavioral Theory) thì lại cho rằng con người có thể trở thành lãnh đạo sau quá trình học hỏi và quan sát. Lãnh đạo là một tập hợp kỹ năng có thể học được thông qua huấn luyện, nhận thức, luyện tập và trải nghiệm theo thời gian. Học kỹ năng lãnh đạo là quá trình học tập suốt đời. Những nhà lãnh đạo giỏi luôn biết tìm kiếm và nắm bắt cơ hội phát triển để giúp họ học thêm nhiều kỹ năng mới.
Quân đội cũng cho thấy họ ủng hộ học thuyết này, bằng chứng là các chương trình huấn luyện khả năng lãnh đạo của họ.
Việc đăng ký tham gia và hoàn thành một khóa học về lãnh đạo có thể biến một ai đó trở thành lãnh đạo không? Thần thái, sức ảnh hưởng, sự chính trực và khả năng truyền cảm hứng có thể dạy được không? Liệu một tờ chứng chỉ hay vài ký tự đặt sau tên bạn có biến bạn thành lãnh đạo được hay không?
Các kỹ năng mềm có thể được truyền đạt cho mọi người thông qua việc giảng giải, nhưng không thể tự cắm rễ. Khả năng chia sẻ tầm nhìn của bạn đến người nghe cần nhiều điều hơn là một bài thuyết trình PowerPoint kỳ công hay các cụm từ “thật kêu” trên hàng loạt tấm danh thiếp khổ 4x6.
Bất cứ ai cũng có thể học những điều cơ bản về lãnh đạo, nhưng nhiều kỹ năng quan trọng khác lại không thể học được. Một vài người sẽ làm rất tốt, trong khi số khác lại nhận ra rằng vì trang bị kém nên mình chỉ có thể tạo ra những kết quả xoàng xĩnh.
NHẬN ĐỊNH
Lãnh đạo là nghệ thuật chứ không phải khoa học. Đó là một tập hợp những đặc điểm bẩm sinh được tôi luyện và hoàn thiện theo thời gian nhờ giáo dục, đào tạo và trải nghiệm. Ngoài ra, còn có một khía cạnh quan trọng khác nữa là bạn phải ở đúng nơi vào đúng thời điểm. Bạn có thể là một lãnh đạo giỏi nhưng vấn đề là bạn có đang ở vào đúng vị trí để tài năng bản thân được dịp toả sáng hay không.
Cuộc tranh luận về khả năng lãnh đạo cũng nên xét đến yếu tố địa điểm và môi trường. Chúng ta đang bàn về những đại diện này trong một tổ chức nhỏ, một lĩnh vực, một xã hội, một đất nước hay trên toàn thế giới?
Nếu để nỗi sợ về việc lãnh nhận vai trò dẫn dắt lấn át khả năng dám gánh vác trách nhiệm thì bạn chỉ là một người đi theo (follower). Không phải ai cũng có thể trở thành lãnh đạo (leader) giống như không phải ai cũng sẽ là diễn viên giỏi. Nhiều người sẽ không bao giờ đạt được khía cạnh đó trong khi một số khác đã tiềm ẩn tố chất để có thể học cách trở thành lãnh đạo. Sự thật là dù có đọc tất cả các quyển sách, hoặc trải qua bao nhiêu khoá học và chương trình đào tạo đi nữa thì cũng không thể biến một follower trở thành leader.
Để trở thành lãnh đạo trong môi trường có cấu trúc, bạn cần được đào tạo bài bản. Hầu hết mọi người có thể học cách quản lý, khởi nghiệp, hay dẫn dắt dự án nhờ vào khái niệm quản lý dựa trên quy tắc – những quy tắc có thể học và làm chủ được.
Lãnh đạo thường là một lựa chọn. Nhà lãnh đạo là người dám bước lên đón nhận thử thách . Nếu cá nhân nào đó có thể vượt lên trên giữa một đám đông thì người đó đã bắt đầu là lãnh đạo. Còn nếu một người được nuôi dưỡng, huấn luyện kỹ lưỡng và trao cho cơ hội tốt nhất nhưng lại muốn giấu mình trong đám đông, như một kẻ bất đắc dĩ phải tham gia… thì hoàn toàn không thể là lãnh đạo.
Phong cách lãnh đạo thay đổi đa dạng theo độ trưởng thành, phụ thuộc vào những người đi theo và tình huống. Kết quả nghiên cứu của GLOBE được thực hiện tại 60 quốc gia đã chỉ ra các thuộc tính của một nhà lãnh đạo là: Liêm chính, sức hút, truyền cảm hứng, có tầm nhìn, khích lệ, tích cực, tự tin, năng động, nhìn xa trông rộng, xây dựng đội ngũ hiệu quả, giao tiếp tốt, giỏi phối hợp, quyết đoán, thông minh và biết cách giải quyết vấn đề để đôi bên đều có lợi. Những thuộc tính này là sự kết hợp của nhân phẩm, tính cách, kỹ năng, khả năng giao tiếp và trí thông minh cảm xúc. Do đó, có thể nói một lãnh đạo sẽ được sinh ra, phát triển, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và trau dồi khả năng qua những trải nghiệm cuộc sống. Nghiên cứu cũng đưa ra con số ước tính gần đúng nhất là khả năng lãnh đạo có 1/3 do trời sinh và 2/3 từ sự rèn luyện.
Tất cả phụ thuộc vào cách bạn định nghĩa về lãnh đạo. Cách nhìn nhận nào cũng có khả năng. Tùy vào định nghĩa mà bất kỳ ai cũng có thể có khả năng dẫn dắt và trở thành nhà lãnh đạo. Có lẽ chúng ta nên tìm cách định lượng khả năng lãnh đạo thay vì xem xét họ có đủ điều kiện hay không. Nelson Mandela, Mahatma Ghandi, Martin Luther King Jr, Aung San Suu Kyi,... là những nhà lãnh đạo xuất chúng. Không tìm kiếm tiền tài hay danh tiếng, họ luôn rất vị tha, yêu công lý, đam mê cống hiến và làm việc vì những lợi ích lớn hơn cho mọi người.
Khi nghiên cứu về lãnh đạo, các lý thuyết có thể khiến chúng ta choáng ngộp. Rõ ràng là bạn không thể thực sự đứng về một phía và phủ nhận bên còn lại. Mặc dù đã có hàng ngàn cuốn sách, nhiều thập kỷ nghiên cứu và ghi chép cẩn thận, cuộc tranh luận này có thể sẽ tiếp diễn mãi không ngừng mà không đi đến được kết luận thoả đáng cho tất cả. Đây là lý do khiến tác giả Brigette Hyacinth muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân:
“Ngay từ khi tôi còn bé, những người cao tuổi trong làng đều nói với mẹ tôi rằng ‘Đứa trẻ này thật khác biệt’. Tôi luôn tập trung, giàu động lực, có đam mê và khao khát được lãnh đạo. Tôi không phải là đứa trẻ sinh ra ngậm thìa vàng, thìa bạc hay sở hữu bất cứ đặc quyền ưu tiên nào khác để tạo nên mong muốn lãnh đạo. Quãng thời gian trưởng thành của tôi cũng không dễ dàng gì. Tuy nhiên, tôi thực sự là người duy nhất trong dòng họ được theo học đại học. Hiện tại mẹ tôi đang tham gia các lớp học xoá mù chữ, và tôi thực sự rất tự hào về bà.
Có hai khoảnh khắc thời thơ ấu đã để lại những dấu ấn rất sinh động và đậm nét trong tâm trí tôi. Đầu tiên là cuộc trò chuyện với mẹ hồi 5 tuổi, khi tôi nói với mẹ rằng mình muốn đi học. Nhưng lúc đó bà không đủ khả năng tài chính để chi trả cho tôi. Lần thứ hai là câu chuyện tôi chơi bắn bi với một bạn hàng xóm năm 7, 8 tuổi. Tôi nghe mẹ cậu ấy nói nhỏ rằng: ‘Sao con lại chơi với Brigette, trông nó nghiêm trọng quá?’ Thật ra lúc ấy chỉ là tôi rất kiên trì và nỗ lực cạnh tranh.
Trong khi hầu hết những người trong cộng đồng của tôi đều đã chấp nhận trở thành nạn nhân của hoàn cảnh và thả trôi theo dòng nước, tôi theo bản năng đã chọn chèo chống ngược dòng. Bạn sẽ hỏi mọi thứ có khó không? Khó chứ. Có cô đơn không? Cô đơn lắm. Tôi có bị trầm cảm không? Rất suy sụp. Tuy nhiên, sau tất cả, tôi đã buộc mình tiếp tục tiến về phía trước. Tạ ơn Chúa!
Tôi tin rằng sâu thẳm bên trong bản thân mình có một ánh lửa mạnh mẽ bùng cháy. Vậy khả năng lãnh đạo là thiên bẩm hay rèn luyện mà nên? Tôi xin có một ý kiến khác và thường thay đổi lăng kính để tiếp cận cả hai quan điểm. Với tôi, lãnh đạo vừa là thiên bẩm vừa do rèn luyện.
Nguyên lý Pareto được đặt tên theo nhà kinh tế Vilfredo Pareto, còn gọi là quy tắc 80—20 nói rằng trong nhiều trường hợp, khoảng 80% kết quả đến từ 20% nguyên nhân. Người ta quan sát thấy rằng hầu hết mọi thứ có sự phân phối không đồng đều. Theo nguyên lý này thì các nhà lãnh đạo có 80% xuất phát từ rèn luyện và 20% là thiên phú. Tuy nhiên, các nghiên cứu được tiến hành bởi Đại học Illinois, hỗ trợ cho kết quả của nhiều nghiên cứu tương tự trong quá khứ, lại chỉ ra rằng khả năng lãnh đạo có 30% do trời sinh và 70% do học tập. Về tỷ lệ phần trăm được chia chính xác giữa bẩm sinh và rèn luyện, tôi tin rằng có thể tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân, vì sẽ khó có thể tồn tại hai nhà lãnh đạo nào có tỷ lệ được liệt kê chính xác như trên.