• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

73694
Tổng số truy cập:73694
Khách đang online: 123
Cẩn thận với 4 cách yêu cầu tăng lương này nếu không muốn “gậy ông đập lưng ông”
Ngày đăng tin: 18/08/2018 14:08

Lương thưởng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định nhân viên sẽ làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hay không. Nếu như trước đây nhân viên thường chỉ an phận hoàn thành tốt công việc của mình và chờ đợi quyết định tăng lương của công ty, thì giờ đây, nhiều bạn không ngần ngại chủ động đưa ra đề nghị với sếp khi cảm thấy sự cống hiến và năng lực của mình xứng đáng với một mức lương cao hơn. Nhưng dù vậy, đề nghị tăng lương vẫn là một chuyện khá nhạy cảm nên bạn cần suy xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra yêu cầu này với cấp trên của mình. Không ít người vì yêu cầu không đúng cách mà dẫn đến hậu quả vừa không được tăng lương lại mất điểm trong mắt sếp.

Vậy những kiểu đề nghị tăng lương nào có thể gây “hiệu quả ngược”?

1. So sánh với đồng nghiệp khác
 
Nếu đã làm việc ở môi trường công sở, hẳn bạn cũng biết “tiền lương” là vấn đề nhạy cảm mà rất ít người muốn chia sẻ cùng đồng nghiệp. Nếu một ngày bạn vô tình phát hiện ra mức lương mà người đồng nghiệp cùng cấp được trả cao hơn, lẽ dĩ nhiên bạn sẽ thấy bất công và muốn gặp ngay sếp để yêu cầu tăng lương cho mình. Nhưng hãy khoan, đừng làm vậy vì đây hoàn toàn là một hành động sai lầm.
 
 
Thực chất mức lương mà công ty trả cho nhân viên không chỉ dựa vào cấp bậc mà còn phụ thuộc vào hiệu quả làm việc của mỗi người, sự cống hiến, kinh nghiệm và thời gian mà họ gắn bó với công ty. Hai nhân viên cùng cấp không nhất thiết sẽ đảm nhận những nhiệm vụ giống nhau. Trừ khi bạn là người phân công nhiệm vụ và đánh giá kết quả làm việc của họ, bạn khó có thể kiểm soát được khối lượng và chất lượng công việc mà họ thực hiện. Vậy nên hãy thận trọng khi đưa ra bất kỳ sự so sánh nào liên quan đến đồng nghiệp của mình. Việc này không những gây ra tâm lý đố kỵ, mất đoàn kết trong tập thể mà còn khiến sếp có đánh giá không tốt về thái độ của bạn.
 
2. “Khổ nhục kế” với những lý do cá nhân
 
 
Các khoản nợ, vấn đề sức khỏe của người thân, sửa sang xây dựng nhà cửa,… có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống đang đợi tiền lương của bạn về để giải quyết. Thế nhưng chúng lại không phải là những lý do chính đáng mà bạn nên sử dụng để yêu cầu sếp tăng lương cho mình. Tỷ lệ thành công của việc “kể khổ” với sếp chắc chắn sẽ không cao như bạn nghĩ đâu. Một số công ty có các chính sách hỗ trợ nhân viên giải quyết vấn đề gia đình để nhân viên có thể tập trung làm việc. Nhưng với các vấn đề mang tính cá nhân bạn tốt hơn vẫn nên tự giải mình giải quyết và tìm một lý do thích đáng hơn cho đề nghị tăng lương của mình. Đừng để cấp trên đánh giá bạn không thể cân bằng được cuộc sống cá nhân và công việc.
 
3. Gửi đi một yêu cầu vượt cấp
 
Một phương án nữa mà iconicJob khuyên bạn không nên thử đó là gửi đi một yêu cầu vượt cấp. Đừng hy vọng sếp lớn có thể giải quyết nguyện vọng tăng lương cho bạn. Vì để xét tăng lương cho một nhân viên, họ sẽ phải dựa trên ý kiến của người trực tiếp quản lý và đánh giá công việc của nhân viên ấy. Hậu quả của việc này đó là người sếp trực tiếp sẽ cảm thấy tổn thương vì thấy mình không được tôn trọng. Tệ hơn nữa, anh/cô ấy có thể nổi giận và không còn trọng dụng bạn trong các dự án sắp tới của phòng ban. Như vậy là vô tình, bạn đã tự khiến cho con đường thăng tiến sự nghiệp của mình thêm trắc trở.

4. “Ép” sếp tăng lương bằng đơn thôi việc
 
 
Nhiều người chia sẻ rằng họ đã dùng đơn thôi việc để “ép” sếp phải tăng lương. Và tuyệt chiêu này lập tức có hiệu quả, sếp đồng ý tăng lương để giữ chân nhân tài của mình. Lợi hại là thế nhưng không phải với ai và trong hoàn cảnh nào lá đơn thôi việc cũng phát huy tác dụng đâu nhé. Bạn nên nhớ rằng, số người thành công trên đây vẫn rất ít ỏi so với số đông, và chỉ những ai thực sự có tài năng, quan trọng đối với tổ chức thì mới nên áp dụng. Ngược lại, nếu bạn không thuộc nhóm trên thì đây không hẳn là lựa chọn an toàn, nó tiềm ẩn rất nhiều bất lợi.
 
Về mặt tình cảm, xin thôi việc để được tăng lương rất dễ gây ra sự mích lòng. Còn xét về sự nghiệp, nó đồng nghĩa với bạn đang vì một lợi ích tức thời mà đánh cuộc cơ hội phát triển lớn hơn trong tương lai. Nói tóm lại, yêu cầu tăng lương bằng đơn thôi việc là giải pháp nguy hiểm nhất, bạn chỉ nên nghĩ đến “hạ sách” này khi không còn lựa chọn nào tốt hơn.
 
Thực tế mà nói, mức lương luôn đi kèm với năng lực và sự cống hiến của bạn cho tổ chức. Một doanh nghiệp tốt chắc chắn sẽ có sự đãi ngộ xứng đáng cho nhân tài của mình. Hơn nữa, ngoài lương thưởng ra vẫn còn rất nhiều yếu tố quyết định đến sự thành công của bạn. Vì vậy hãy cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra bất kỳ lựa chọn nào liên quan đến công việc.
Số lượt đọc: 1515 -