• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

56143
Tổng số truy cập:56143
Khách đang online: 146
Cách tư vấn khách hàng mua quần áo, đảm bảo tăng đơn
Ngày đăng tin: 20/01/2022 08:38

Vô số cửa hàng thời trang từ thương hiệu bình dân đến cao cấp được mở ra, cả bán trực tiếp và trực tuyến khiến sức cạnh tranh ngành nghề tăng cao. Vì vậy, muốn có lượng khách hàng tiềm năng thì nhân viên bán hàng cần phải thành thạo kỹ năng tư vấn, khéo léo khi giao tiếp thì mới có thể thuyết phục họ chốt đơn giúp gia tăng doanh số.

Đối với quần áo hay phụ kiện, các xu hướng thời trang nói chung, rất khó để đánh giá chính xác bộ nào đẹp hơn hay đẹp nhất vì nó phụ thuộc vào sở thích, mắt nhìn của người mua. Đồ cao cấp có giá trị của đồ cao cấp, nằm ở chất lượng, thương hiệu... trong khi đồ bình dân lại thắng về giá cả, về mẫu mã đa dạng. Nói cách khác, không hẳn là kiểu dáng hay chất liệu, chính những lời tư vấn của người bán mới là yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy khách hàng ra quyết định mua đối với mặt hàng là quần áo, phụ kiện.
 

Những cách tư vấn khách hàng mua quần áo hiệu quả nhất
 
I. Kỹ năng, phẩm chất cần có để tư vấn khách hàng mua quần áo
 
1. Am hiểu về các xu hướng thời trang mới nhất
 
Mặc dù nhân viên bán quần áo không phải là những "stylist", có thể tự thiết kế và tạo ra xu hướng nhưng bạn chắc chắn cần biết hiện nay người mua đang yêu thích những sản phẩm gì? Ví dụ như Hè năm nay áo croptop phối với chân váy ngắn, quần sooc được yêu thích hơn hay đồ unisex đang được quan tâm? Váy dài thì thiên về chất liệu nào, kiểu dáng nào đang được ưa chuộng?... Không quá khó để có được các thông tin liên quan nhưng điều quan trọng là bạn phải thực sự chú tâm quan sát và tìm hiểu. Hãy nhớ, bạn không chỉ bán quần áo mà còn bán "phong cách" cho khách. Nếu chính bản thân bạn cũng không hiểu thì làm sao tư vấn khách hàng, thuyết phục họ mua hàng?
 
2. Tinh tế, có gu ăn mặc
 
Trên thực tế, khi tuyển dụng nhân viên bán quần áo, chủ cửa hàng thường có yêu cầu cơ bản với ngoại hình và phong cách của người đó, nhất là những shop đồ nữ. Ngoại hình sáng sủa, có gu ăn mặc riêng, tinh tế trong cách giao tiếp, quan sát và ra phán đoán chính xác sẽ giúp ích rất nhiều từ việc tạo ấn tượng tích cực, đáng tin tưởng với khách đến việc đưa ra lời tư vấn hợp lý.

3. Nhiệt tình, giao tiếp tốt
 
Dĩ nhiên, với công việc bán hàng thì kỹ năng giao tiếp vô cùng quan trọng, nó quyết định việc bạn có thuyết phục được khách hàng hay không và khách có hài lòng với dịch vụ hay không. Khi tư vấn khách hàng mua quần áo thì kỹ năng này lại càng quan trọng. Một nhân viên bán hàng khéo léo có thể bán được sản phẩm chỉ vì biết khen đúng chỗ, ví dụ như: "Vì eo chị nhỏ mà chân lại dài và thon thả nên mặc chân váy này đẹp lắm luôn ạ". Bên cạnh đó, bạn cũng cần nhiệt tình hỗ trợ khách, cho dù họ muốn tìm size khác hay màu khác...

II. Cách tư vấn khách hàng mua quần áo trực tiếp tại shop
 
1. Cởi mở, chào đón tất cả khách hàng
 
Hiện nay, không chỉ ở các thành phố lớn mà tại các tỉnh thành, địa phương đều có rất nhiều các shop quần áo hoặc các chuỗi cửa hàng san sát nhau. Kiểu dáng, chất lượng có thể trùng lặp nhiều hay ít, giá cả cũng thường không chênh nhau nhiều (với đồ bình dân). Do vậy, để kinh doanh hiệu quả thì sự khác biệt nằm ở người bán hàng.
 
Bước đầu tiên trong quy trình tư vấn khách hàng mua quần áo là đảm bảo thái độ hòa nhã, cởi mở, chào đón tất cả khách đến tham quan, thử đồ và mua sắm. Những nụ cười thân thiện ngay khi khách bước vào sẽ giúp họ thoải mái hơn và có ấn tượng tốt hơn. Đặc biệt, bạn cần tránh sự phân biệt đối xử, chẳng hạn không nhiệt tình với khách ăn mặc xuề xòa, có phần tùy ý hay lôi thôi. Trong nhiều trường hợp, họ lại chính là người mua xông xênh nhất.
 

Tư vấn sao để khách hàng mua quần áo, tăng đơn hàng ngày
 
2. Lịch sự hỏi xem khách cần tìm quần áo, trang phục như thế nào
 
Mỗi khách hàng sẽ có mục đích tìm kiếm loại trang phục, kiểu mẫu khác nhau khi đến cửa hàng quần áo. Một số người đã xem các mẫu từ trước và muốn đến thử hoặc xác định tìm váy, áo hay quần jeans, chân váy..., đồng thời cũng có những người chỉ đơn giản là muốn xem và mua đồ, còn đồ gì thì... chưa biết. Để có thể tư vấn hiệu quả, bạn nên chủ động hỏi xem khách cần tìm quần áo, trang phục thế nào bằng những câu đơn giản như: "Anh/Chị/Bạn muốn tìm đồ như thế nào ạ?".
 
Với những khách đã xem mẫu trước thì bạn có thể lấy đồ giúp để họ thử hoặc chỉ cho họ khu vực trưng bày các sản phẩm đó. Trong khi, những ai chưa xác định muốn mua gì, bạn nên khéo léo để họ thoải mái xem đồ và chỉ tiến đến tư vấn khi thấy họ muốn hỏi hoặc muốn thử đồ, thanh toán.

3. Hỗ trợ khách tìm đồ, chỉ vị trí
 
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của nhân viên bán hàng quần áo. Khách có thể sẽ nhờ bạn tìm đồ hoặc tìm size phù hợp với họ. Bạn nên thực hiện công việc này một cách nhanh nhẹn, cho thấy sự nhiệt tình hỗ trợ.
 
4. Khuyến khích khách thử đồ
 
Trong trường hợp thấy khách đứng xem đồ đã khá lâu nhưng vẫn chưa có hành động tiếp theo, nhân viên bán hàng quần áo nên tiến đến và hỏi rằng họ có muốn thử đồ không hoặc "nhắc nhẹ" ngay từ đầu rằng họ có thể thoải mái thử những món đồ mình thích. Với tâm lý khách hàng, nhiều khi họ nhìn mẫu quần áo thấy đẹp (hoặc không đẹp lắm theo ý họ) nhưng lại ngại không biết mình có hợp hơn. Khi được khuyến khích thử sẽ có 2 trường hợp: Thấy hợp và ra quyết định mua hoặc không hợp thì chuyển sang đồ khác. Ngược lại, nếu họ chỉ ngắm mà không thử thì rất khó để chuyển đến bước tiếp theo của quy trình mua hàng.

5. Tư vấn chân thành, dựa trên sở thích của từng khách hàng
 
Như đã đề cập trước đó, tư vấn là bước quan trọng để thúc đẩy khách hàng mua quần áo (hay không). Thực tế là khi cửa hàng quá đông khách thì nhân viên bán hàng cũng khó để có thể tư vấn cho từng người hoặc khách cũng đã có bạn bè đi cùng để "ngắm" giúp đẹp và hợp hay không. Tuy vậy, để bán được nhiều sản phẩm quần áo, trang phục thì bạn vẫn cần tuân thủ một số nguyên tắc trong tư vấn như:
  • Chân thành: Nhìn kỹ trang phục khách vừa thử, nếu thấy chỗ nào chưa ổn như chưa thắt dây đúng cách hoặc mặc nhầm... thì chỉnh lại giúp khách, nhận xét với giọng nói nhẹ nhàng và chân thực.
  • Đánh giá dựa trên sở thích của khách: Cho dù gu của bạn là mặc đồ nữ tính nhưng khách thử đồ unisex thì cũng đừng ngay lập tức nhăn mặt hay nói rằng bạn cảm thấy không đẹp. Trường hợp bạn thấy màu đỏ đẹp nhưng khách thích màu xanh cũng vậy. Là người bán hàng, bạn không giới thiệu hay đánh giá thị hiếu của khách dựa vào sở thích riêng của bạn. Miễn là khách thích và hài lòng, thấy vui khi thử, mua đồ là được.
  • Đưa ra lời khen: Bất kỳ ai khi thử quần áo mới cũng hi vọng rằng mình mặc đẹp và họ sẽ rất vui nếu được khen ngợi chân thành. Giả sử bạn thấy khách mặc rất xinh thì đừng ngại khen họ, dĩ nhiên là đừng khen đến quá lố mà hãy thật tinh tế, ví dụ như: "Nhìn chị đã trẻ mà mặc váy này trông còn trẻ hơn mấy tuổi đấy ạ".
  • Nếu khách mặc không hợp: Lúc này, tốt nhất là bạn hãy khéo léo khuyên họ chuyển sang bộ khác, size khác hoặc màu khác, không tỏ thái độ hay chê bai.

Khéo léo trong giao tiếp là cách bán hàng hiệu quả nhất
 
6. Gợi ý cho khách cách phối đồ cùng phụ kiện hoặc trang phục khác
 
Cuối cùng, nhân viên bán hàng cũng nên kết thúc tư vấn cho khách mua quần áo cách phối đồ cùng phụ kiện hoặc trang phục khác. Điều này vừa là giúp đỡ khách hàng, đồng thời cũng thúc đẩy họ mua thêm sản phẩm khác của shop. Chẳng hạn, bạn có thể nói rằng: "Áo bò này anh/chị/bạn mặc đẹp lắm, đồ oversize nên có thể phối với áo phông sáng màu hay sơ mi/váy hoa và vòng cổ...".
 
III. Cách tư vấn khách hàng mua quần áo online
 
Bên cạnh việc đến mua hàng trực tiếp tại các shop, store thì hiện nay, nhiều người lựa chọn mua hàng online. Các kênh bán hàng như Facebook, Instagram, Zalo hay nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada... có vô số người bán với mẫu mã quần áo, váy vóc đa dạng. Tư vấn khách hàng mua quần áo online sẽ có một số điểm khác biệt so với bán trực tiếp.

1. Với hàng có sẵn
 
Khi mua hàng online, khách hàng quan tâm nhất là sản phẩm thực tế có giống (ảnh) mẫu đăng bán hay không: Màu sắc, kiểu dáng và chất liệu. Hiểu được tâm lý như vậy thì người bán mới có thể đưa ra những lời tư vấn hợp lý.
  • Đối với màu sắc: Bạn nên ghi rõ hoặc trả lời với khách rằng màu có thể khác một chút so với bên ngoài (vì điều kiện ảnh sáng khi chụp ảnh, quay video). Khi tư vấn khách hàng, bạn nên hỏi họ về màu da, màu tóc để khuyên họ nên chọn màu nào.
  • Về size: Rõ ràng về size của trang phục, tốt nhất là thông báo luôn mẫu mặc bộ đồ này cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu để khách tự so sánh - đặc biệt với những đồ bó sát hay hơi khó mặc thì cần chính xác để tránh về khách mặc không được. Là người bán hàng, bạn nên hỏi khách thường mặc size gì, cân nặng và chiều cao cũng như muốn mặc vừa hay mặc rộng.
  • Về chất liệu: Không nói quá hoặc nói sai về chất liệu quần áo và tùy vào kiểu trang phục, mục đích của khách mà tư vấn. Ví dụ, nếu khách mua quần áo cho em bé, hãy tập trung vào những chất liệu như cotton - mềm mịn, thoáng mát hoặc nếu là đầm đi biển, hãy nhấn mạnh vào chất liệu có sự nhẹ nhàng, có thể "tung bay" cho những bức ảnh đẹp...
2. Với hàng order
 
Hiện nay, nhiều người bán hàng không có sẵn mà đăng những mẫu đẹp để khách lựa chọn. Giá công khai đã tính tất cả các chi phí như vận chuyển, tiền công, tiền lời... Khách cũng có thể tự chọn mẫu từ nước ngoài và nhờ order. Trong các trường hợp này, bạn nên tư vấn dựa vào kinh nghiệm đặt mua sản phẩm đó (nếu có) và liệt kê những gì bạn có thể đảm bảo, chủ yếu dựa trên đợt hàng trước đó hoặc đánh giá trên trang web đặt mua.

IV. Cách đối phó với những tình huống thực tế khi bán quần áo
 
1. Làm gì khi khách chê quần áo xấu không mua?
 
Khi bán hàng, đặc biệt là bán quần áo, bạn không thể tránh được những tình huống là khách chê đồ không đẹp hay chất lượng đồ không tốt. Dù là đồ cao cấp hay bình dân thì vẫn có thể bị nói như vậy. Lúc này, bạn không nên "cãi" lại khách mà hãy thử một số phương pháp như:
  • Gợi ý khách thử đồ với lý do: "Mặc vào sẽ tôn dáng và trông rất đẹp đấy ạ" hoặc "Vừa rồi có một số anh/chị/bạn cũng chê như vậy mà mặc vào lại thấy đẹp nên chúng em bán chỉ còn 1 chiếc này thôi. Anh/Chị/Bạn có muốn thử không ạ?".
  • Giải thích cho khách: Bạn có thể nói rằng đó là "mốt" mới mùa này/năm nay, "Dù hơi kén người mặc nhưng em nghĩ là anh/chị/bạn dáng đẹp/da trắng nên biết đâu lại hợp ạ".
  • Giới thiệu cho khách mẫu khác: Đây là phương án tốt nhất nếu khách tỏ rõ thái độ không tin tưởng hoặc khó chịu. "Bên em còn rất nhiều mẫu khác, anh chị có thể xem thêm và thử đồ ạ, như mẫu này màu nền nã mà kiểu dáng cũng đang là trend hiện nay ạ"...

Biết cách xử lý tình huống tùy từng khách hàng
 
 2. Làm gì khi khách chê giá đắt không mua?
 
Một trường hợp khác mà lúc tư vấn khách hàng mua quần áo hay gặp phải là khách rất thích trang phục, thử và ưng rồi, cầm lên đặt xuống mãi nhưng chưa mua vì chê giá đắt. Lúc này, việc của người bán cũng sẽ là làm sao để thuyết phục họ chấp nhận mức giá, sẵn sàng bỏ tiền ra thanh toán sản phẩm. Bạn có thể nói rằng:
  • "Với chất liệu cao cấp như thế này thì giá như vậy cũng không cao đâu ạ, anh chị có thể xem và so sánh với một số bên khác để thấy giá này khá mềm rồi ạ".
  • "Mẫu này vì là mẫu mới nhất của hãng [tên hãng] và chất đẹp nên chỉ có bên em dám nhập về thôi ạ. Mình mua đồ đẹp mặc cũng tự tin thoải mái hơn mà lại không lo đụng hàng".
  • "Bởi vì chất liệu và kiểu dáng đặc biệt/số lượng có hạn nên sản phẩm này có mức giá như vậy, tính ra thì cũng không cao đâu ạ. Anh chị có thể cân nhắc thêm vì em nghĩ là anh chị mặc rất đẹp, nếu không mua thì sẽ hơi tiếc. Còn nếu không, em gợi ý nhà mình chuyển sang một số mẫu khác như [giới thiệu một vài mẫu khác], có giá mềm hơn chút đấy ạ".
Tư vấn khách hàng mua quần áo có thể không phải việc quá khó nhưng cũng không hề đơn giản. Điều cơ bản là bạn phải nắm rõ những bước trong quy trình, các quy tắc giao tiếp, ứng xử và nhất là biết linh hoạt, điều chỉnh với từng người, từng trường hợp khác nhau. Khi biết quan sát, có sự tinh tế khi nhìn nhận, đánh giá thì tư vấn sẽ hiệu quả hơn, bán được nhiều hàng, chốt được nhiều đơn hơn.
Số lượt đọc: 739 -