• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

89468
Tổng số truy cập:89468
Khách đang online: 51
Cách để trở thành một quản lý (Manager) tốt
Ngày đăng tin: 23/11/2019 22:00

I. Hiểu rõ đồng nghiệp của bạn

Đây có thể coi là yếu tố đầu tiên. Bạn phải làm việc, phải trao đổi để biết những người trong nhóm có gì. Họ mạnh ở đâu, còn thiếu sót điểm nào, phối hợp tốt nhất với ai, … tất cả những điều này sẽ được tìm ra bởi một người quản lý có con mắt quan sát tốt. Khi đã am hiểu về từng người một, bạn sẽ có thể đưa ra cách huấn luyện, trao đổi để mỗi người có thể tự phát triển theo hướng tốt nhất. Đừng để bất kì ai trong nhóm có cảm giác bị tụt lại phía sau hoặc tự ti về bản thân, vì bạn không đi một mình.

II. Phát triển trí tuệ cảm xúc

Trí tuệ cảm xúc (hay còn được nhắc đến với cái tên EQ) là sự nhận biết được cảm xúc của người khác. Đây là một kĩ năng vô cùng quan trọng trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, đặc biệt khi bạn đang nắm giữ vị trí quản lý một nhóm. Nắm bắt tâm lý của các cộng sự sẽ giúp bạn điều phối công việc và đưa ra thời gian nghỉ ngơi hợp lý, góp phần cân bằng hiệu quả làm việc nhóm và nguồn năng lượng tích cực trong mỗi thành viên. Bạn cũng có thể làm gương cho mọi người bằng cách xử lý các vấn đề chung một cách rõ ràng, nhanh chóng và có tính xây dựng.

III. Đừng tiếc những lời khen

Đúng như vậy, những lời khen ngợi ở mức độ hợp lý sẽ giúp tinh thần chung khá lên rất nhiều. Một ý tưởng tốt gỡ rối cho cả một quá trình làm việc, hoàn toàn xứng đáng có được sự công nhận của quản lý và những người đồng đội. Bạn đừng chỉ nghĩ đây là lời khen suông, nó thể hiện được sự trân trọng của bạn với cộng sự của mình, thể hiện sự bình đẳng trong mối quan hệ công việc này. Tuy nhiên, những lời ngợi khen nên được sử dụng đúng lúc đúng chỗ như một cú hích tinh thần chứ không nên lạm dụng, tránh tình trạng ngộ nhận về khả năng của mọi người trong nhóm. Ngoài ra, khi trình bày ý tưởng với các bộ phận khác, bạn hãy cho thấy đó cụ thể là đóng góp của ai, nhằm làm cho mọi người thấy được sự tôn trọng nơi bạn, thúc đẩy tinh thần xây dựng trong nhóm.

IV. Thường xuyên chia sẻ

Công việc luôn luôn là công việc, tuy nhiên làm việc với nhau có thể dễ dàng hơn nếu mọi người kết nối với nhau chặt chẽ hơn. Một ví dụ đơn giản, có thể là một buổi chiều cuối tuần, bạn – quản lý cùng mọi người trong nhóm hẹn nhau ở một không gian thật thoải mái, để chia sẻ với nhau những khúc mắc, khó khăn trước mắt trong công việc, xa hơn là trong cuộc sống. Thấu hiểu người khác không phải là điều dễ, nhưng nó cũng không phải là không làm được nếu bạn thực sự cố gắng. Bạn sẽ học được cách cảm thông, bao dung cũng như lắng nghe khi làm quản lý của một nhóm làm việc.

V. Hoạt động theo nhóm đúng nghĩa

Thông điệp này hoàn toàn rõ ràng. Bạn làm quản lý chứ không làm tất cả mọi việc. Công việc của bạn là sắp xếp, phân chia các đầu việc hợp lý và quan trọng nhất: để mỗi người phát huy sở trường của họ tốt nhất chứ không phải đưa ra những yêu cầu cứng nhắc và đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối. Đừng vô tình tước đoạt khả năng quyết định và sự chủ động của những người trong nhóm. Hãy luôn giữ vững tinh thần xây dựng và đóng góp hết mình vì kết quả chung của công việc.

VI. Không ngừng trau dồi chuyên môn

Tất nhiên, để có thể phân chia công việc hợp lý, bạn phải là một người nắm rõ chuyên môn và các tính chất, nguyên lý nằm trong đó. Hãy học hỏi mọi lúc, từ những kết quả tốt và rút kinh nghiệm từ những sai lầm. Chắc chắn các nhân viên của bạn sẽ yên tâm và tin tưởng khi có một người quản lý biết quan sát, học hỏi và cầu tiến. Đồng thời, việc trở thành một nhà chuyên môn giỏi có thể giúp bạn xử lý những vấn đề mà các cộng sự của bạn đang vướng mắc, góp phần phá vỡ sự tắc nghẽn trong bộ máy chung.

VII. Luôn luôn kích thích sự phát triển

Trước mỗi vấn đề, bạn có thể đưa ra nhiều hướng giải quyết khác nhau thay vì chỉ có một lựa chọn duy nhất. Hãy tập cho những người trong nhóm có thói quen này. Cùng với đó là phát triển tư duy phản biện. Nó không chỉ kích thích sự sáng tạo cho chính bạn cũng như mọi người trong nhóm, mà còn giúp mọi người lường trước được những rủi ro có thể xảy ra.

VIII. Thống nhất deadline

Điều cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng. Thông thường nếu làm việc một mìnhh, bạn chỉ phải chịu trách nhiệm với deadline của bản thân. Nhưng khi đã là một quản lý, bạn phải thống nhất được thời hạn trả sản phẩm với từng người trong nhóm. Bạn sẽ cần sự thành thật và những đề xuất thời gian hợp lý chứ không phải sự thúc ép deadline để nhận lấy những kết quả công việc tồi tệ, cẩu thả.

Công việc quản lý từ trước tới nay chưa bao giờ là dễ dàng. Đây là vị trí đòi hỏi nhiều phẩm chất lãnh đạo nhưng vẫn cần sự khéo léo và tinh tế, được đúc kết qua một quá trình dài quan sát, học hỏi. Kết quả công việc của cả nhóm sẽ phản ánh khả năng của người quản lý – là bạn. Rất mong qua bài viết này, bạn có thể tìm được một vài gợi ý nhỏ cho công việc của mình và sớm gặt hái được nhiều thành công mới.

Số lượt đọc: 564 -