Tết năm nay chuẩn bị gì để sẵn sàng nhảy việc?
Ngày đăng tin: 27/11/2024 21:17
Chờ thưởng Tết hay nhảy việc ngay là phân vân của rất nhiều người lao động. Dù chọn trước hay sau Tết thì bạn cũng chẳng thể “tay không ra trận” mà phải chuẩn bị nhiều thứ để nhảy việc thành công. Cùng Cevn check xem Tết năm nay cần chuẩn bị những gì để sẵn sàng nhảy việc trong bài viết này bạn nhé!
Dấu hiệu thời điểm cần nhảy việc đã đến
Theo Tổng cục Thống kê, thị trường lao động và việc làm quý 3/2024 tiếp tục khởi sắc với lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, tỷ lệ thất nghiệp cũng như tỷ lệ thiếu việc làm giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước. Do đó, nhảy việc trong thời điểm này cũng không tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
Tâm lý cuối năm ai cũng chờ đợi thưởng Tết, nhưng nếu bạn mắc phải những dấu hiệu sau cho thấy thời điểm nhảy việc đã đến:
– Không hài lòng với công việc hiện tại:
Bạn cảm thấy không hài lòng với công việc hiện tại vì quá chán chường hoặc quá áp lực. Bên cạnh đó, mối quan hệ với Sếp, đồng nghiệp, khách hàng nhiều mâu thuẫn và môi trường làm việc thì toxic… Nếu tiếp tục làm công việc hiện tại, không chỉ hiệu suất công việc giảm sút mà sức khỏe tinh thần của bạn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
– Công ty thay đổi chính sách thưởng Tết:
Bạn nhận được thông báo về việc công ty cắt giảm chế độ lương tháng 13 và thưởng Tết? Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình phát triển của công ty đang gặp vấn đề. Chưa kể, nếu bạn gắng ở lại sau Tết thì mức lương thưởng Tết nhận được cũng chẳng là bao.
Chuẩn bị gì để sẵn sàng nhảy việc?
Quỹ dự phòng
Phòng hờ trường hợp chẳng may thất nghiệp kéo dài, bạn cần tích góp quỹ dự phòng đủ chi tiêu sinh hoạt phí trong khoảng 6 tháng. Quỹ dự phòng này giúp bạn duy trì cuộc sống, tránh trường hợp bế tắc đến nỗi “ngàn cân treo sợi tóc” nên đành chấp nhận công việc mới với môi trường toxic và mức lương thấp hơn cả công ty cũ. Nếu vậy, chẳng phải quyết định nhảy việc của bạn trở nên vô nghĩa sao?
Chỉ nộp đơn nghỉ việc khi đã tìm được cơ hội mới
Quá trình tìm được công việc mới ưng ý thường mất nhiều thời gian hơn bạn tưởng. Do đó, chỉ nên nộp đơn nghỉ việc khi đã chắc chắn tìm được cơ hội việc làm mới bạn nhé!
Review năng lực bản thân so với yêu cầu thị trường lao động
Sau Tết là thời điểm nhiều người nhảy việc dẫn đến thị trường tuyển dụng có sự cạnh tranh gay gắt hơn. “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”! Muốn tăng cơ hội trúng tuyển, bạn nên dành thời gian tự review chính chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm… của bản thân so với yêu cầu của thị trường lao động hiện tại. Từ đó rút ra được điểm mạnh và điểm yếu để trau dồi, cải thiện giúp nâng cao năng lực bản thân trên thị trường tuyển dụng.
Nâng cấp năng lực bản thân
Trong thời đại mà AI có thể viết văn, vẽ ảnh, làm báo cáo, tổng hợp dữ liệu… thì chỉ khi bạn có kỹ năng “đỉnh” hơn AI mới có thể tự tin cạnh tranh trên thị trường lao động.
Trước tiên, bạn nên rèn luyện kỹ năng văn phòng cơ bản như Word, Excel, Photoshop, Adobe Illustrator… ở trình độ Khá trở lên. Tiếp theo, bạn cần học thêm nhiều kỹ năng nghiệp vụ nâng cao hỗ trợ công việc tối ưu. Đừng quên không ngừng cập nhật công nghệ AI mỗi ngày để ứng dụng linh hoạt vào công việc và không bị thụt lùi so với thời đại bạn nhé!
Bên cạnh đó thì việc đọc thêm sách chuyên ngành, tham gia khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ và đăng ký các khóa học ngoại ngữ online… là điều bạn nên làm để trau dồi kiến thức nâng cấp bản thân hơn.
Cập nhật CV & Portfolio ấn tượng
Muốn tạo ấn tượng “chinh phục” nhà tuyển dụng ngay từ vòng duyệt hồ sơ, bạn hãy bắt tay ngay vào việc “làm đẹp” CV và Portfolio. Không chỉ thiết kế chuyên nghiệp và đẹp mắt, nên đưa vào các thành tích xuất sắc kèm số liệu cụ thể để “thuyết phục” HR hơn bạn nhé!
Chuẩn bị “tinh thần thép”
Thất nghiệp kéo dài dễ gây ra khủng hoảng tâm lý và nhiều tác động tiêu cực đến tinh thần. Nếu tinh thần bạn không vững vàng, chẳng may đối mặt tình trạng thất nghiệp kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ trầm cảm cao.
Do đó, hãy chuẩn bị “tinh thần thép” trước khi quyết định nhảy việc bạn nhé! Không chỉ duy trì lối sống khoa học để nâng cao thể chất, bạn nên nâng cao chất lượng đời sống tinh thần tích cực hơn như đọc sách, nghe nhạc, xem phim truyền cảm hứng hoặc thiền định…
Tết năm nay bạn có ý định nhảy việc chứ? Hy vọng những chia sẻ hữu ích trên giúp bạn chuẩn bị hành trang đầy đủ để sẵn sàng nhảy việc thành công. Chúc bạn tìm được công việc mới ưng ý để khởi đầu một năm mới đầy khởi sắc!