Phát triển bản thân - một bước quan trọng để phát triển sự nghiệp
Ngày đăng tin: 03/10/2021 16:03
Ai cũng hiểu rằng phát triển bản thân là một bước quan trọng để phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, phát triển bản thân như thế nào và cần tập trung vào những khía cạnh nào thì vẫn còn là câu hỏi được để ngỏ.
Khách quan mà nói thì cả điểm mạnh lẫn điểm yếu đều có những ảnh hưởng nhất định tới công việc của mỗi người. Điểm mấu chốt chính là phải phát huy tối đa sức mạnh bản thân và hạn chế, khắc phục được những điểm yếu để có thể tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Tầm quan trọng của việc phát triển bản thân đối với sự nghiệp
I. Phát triển bản thân là gì?
Phát triển bản thân có thể hiểu theo nhiều cách, nhưng nhìn chung, đó là nỗ lực để cải thiện bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống và hướng đến những thứ tốt đẹp hơn.
Đặc biệt, đây là quá trình diễn ra không ngừng nghỉ và con người chính là tác nhân làm thay đổi cuộc sống của mình. Cụ thể, nó liên quan tới cách bạn quan sát và nhận thức về bản thân cũng như tương tác với thế giới và những người xung quanh. Không chỉ vậy, phát triển bản thân còn ảnh hưởng tới những khía cạnh trừu tượng hơn như điều chỉnh cảm xúc cá nhân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ra quyết định, v.v.
II. Mối quan hệ giữa phát triển bản thân và phát triển sự nghiệp
Thực tế cho thấy phát triển bản thân và phát triển sự nghiệp có tác động qua lại lẫn nhau. Cụ thể, thành công cũng như mức độ thỏa mãn trong công việc của bạn không chỉ phụ thuộc vào kiến thức chuyên môn mà cả những kỹ năng mềm - chẳng hạn như khả năng giao tiếp, tự tạo động lực, làm việc nhóm,... Phát triển những kỹ năng này sẽ giúp cho con đường thăng tiến của bạn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
III. Cách phát triển bản thân trong công việc
1. Nâng cao trí tuệ cảm xúc
Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence - EQ) giúp bạn xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, bền chặt với đồng nghiệp và khách hàng, từ đó cải thiện hiệu suất làm việc và củng cố uy tín cá nhân.
Đặc biệt nếu bạn đảm nhiệm vai trò quản lý hoặc lãnh đạo, trí tuệ cảm xúc sẽ phát huy tốt vai trò của nó trong việc quan sát và thấu hiểu cấp dưới. Đây chính là yếu tố quan trọng để bạn củng cố vị trí đang nắm giữ.
Lời khuyên: Rèn luyện kỹ năng lắng nghe chủ động bằng cách tập trung vào mọi cuộc hội thoại, thể hiện thiện chí luôn sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu đối phương.
Cụ thể, đừng chăm chăm nhìn vào điện thoại mà hãy giao tiếp bằng mắt hoặc sử dụng ngôn ngữ cơ thể như gật đầu, mỉm cười, v.v. Bên cạnh đó, có thể làm rõ lại quan điểm của người đối diện bằng cách nói: "Oh ý của bạn có phải là ...?"
2. Tin tưởng vào bản thân
Sự tự tin có thể giúp bạn tìm được công việc tốt hơn, thuận lợi trên con đường thăng tiến hay nhận được nhiều tín nhiệm từ đồng nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tin tưởng vào bản thân. Nếu không hiểu rõ năng lực và giới hạn của mình, sẽ rất khó để bạn phát huy tối đa điểm mạnh mà mình sở hữu.
Lời khuyên: Hãy bắt đầu khai thác năng lực của bản thân bằng cách tham khảo từ đồng nghiệp về những điểm mạnh trong công việc mà họ quan sát được. Thậm chí là nhờ họ chỉ ra những hạn chế đang tồn tại một cách khách quan để bạn có thể cải thiện ngay.
3. Tự tạo động lực cho bản thân
Động lực không chỉ thúc đẩy hiệu suất làm việc mà về lâu dài, bạn sẽ nuôi dưỡng tham vọng cá nhân để thăng tiến trên con đường sự nghiệp.
Lời khuyên: Nhiều người còn lầm tưởng động lực là thứ gì đó quá trừu tượng, chỉ giống như suy nghĩ hay tâm trạng ngẫu nhiên. Tuy nhiên, thực tế thì động lực không tự sinh ra từ những suy nghĩ viển vông, thay vào đó, hãy liên tục hoàn thành từng mục tiêu nhỏ để cảm thấy được tiếp thêm động lực, từng bước chạm tay vào thành công.
Bí quyết để phát triển bản thân trong công việc
4. Tập trung vào hiện tại
Còn được biết đến với thuật ngữ "mindfulness" (tạm dịch: chánh niệm), bạn sẽ "huấn luyện" não bộ tập trung vào hiện tại, thay vì trôi về quá khứ hay lao đến tương lai. Đặc biệt trong công việc, bạn sẽ biết cách dồn cả tâm trí vào việc cần hoàn thành trước mắt và tự loại bỏ mọi ồn ào xung quanh để nâng cao hiệu suất làm việc.
Không chỉ thế, việc kiểm soát cảm xúc cá nhân cũng trở nên dễ dàng hơn. Cụ thể trong mối quan hệ với đồng nghiệp hay khách hàng, thay vì phản ứng khó chịu ngay lập tức, bạn sẽ tiết chế căng thẳng và cẩn trọng hơn trong cách ứng xử.
Lời khuyên: Hãy thử tham khảo các bước thiền Chánh niệm và dành ra từ 5 - 10 phút mỗi ngày để thực hiện theo. Theo thời gian, kỹ năng tập trung vào hiện tại của bạn sẽ được cải thiện vô cùng rõ rệt.
Tóm lại, có thể thấy rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển bản thân và phát triển sự nghiệp. Việc không ngừng hướng tới phiên bản tốt nhất của mình chính là nền tảng quan trọng nhất để bạn tiến xa trên nấc thang sự nghiệp.