Những điều tối kỵ trên mạng xã hội của ứng viên
Ngày đăng tin: 09/05/2018 20:58
Jobvite vừa mới công bố kết quả khảo sát tuyển dụng xã hội năm 2016. Kết quả khảo sát cho thấy 93% nhà tuyển dụng sẽ xem xét các trang cá nhân của ứng viên trên mạng xã hội trước khi đưa ra quyết định tuyển dụng.
Có 55% nhà tuyển dụng quyết định phải xem xét lại ứng viên dựa trên những gì họ tìm thấy trên mạng xã hội, 61% trong số đó mang chiều hướng tiêu cực.
Nên và không nên
Theo kết quả khảo sát, những thứ cấm kị khi post lên Facebook đó là:
1. Liên quan đến chất kích thích, chất gây nghiện.
Đây là điều tối kỵ nhất. 83% nhà tuyển dụng cho biết họ sẽ không bao giờ tuyển ứng viên có đăng lên những thứ liên quan đến thuốc phiện hay ma túy lên mạng xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỉ lệ này có thể cao hơn nhiều, vì ma túy là đề tài tuyệt đối cấm kỵ trong xã hội cũng như luật pháp Việt Nam.
2. Liên quan đến tình dục.
70% nhà tuyển dụng cho rằng họ sẽ không tuyển những ứng viên có những bài post liên quan đến chủ đề này trên trang cá nhân của mình.
3. Vũ khí.
Hơn 50% nhà tuyển dụng cho biết họ không thích những bài đăng liên quan đến vũ khí.
4. Rượu bia.
44% nhà tuyển dụng cho rằng những ứng viên mà trang cá nhân có post chủ đề này cần phải xem xét lại.
Bạn thì sao? Trang cá nhân của bạn có đăng những bài liên quan đến chủ đề này không? Nếu không thì cũng đừng vội mừng: 66% nhà tuyển dụng cho rằng những lỗi về chính tả hay ngữ pháp cũng là những điều gây bất lợi cho quá trình ứng tuyển của bạn.
Bên cạnh đó, 1/6 nhà tuyển dụng cũng không thích những ứng viên có hoạt động liên quan đến chính trị.
Thay vì có những bài đăng mang tính tiêu cực như ở trên, hãy bổ sung vào hồ sơ cá nhân của mình những hoạt động tình nguyện, những kinh nghiệm, những mối quan hệ cộng đồng…Đây là những thông tin có thể gây được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
LinkedIn, Facebook hay Twitter?
Nghiên cứu cũng chỉ ra đâu la mạng xã hội mà nhà tuyển dụng thường dùng để khảo sát thông tin ứng viên. LinkedIn là lựa chọn đầu tiên (79%) sau đó đến Facebook (26%) và Twitter (14%). Gần như tất cả các nhà tuyển dụng đều sử dụng LinkedIn cho mọi bước của quá trình tuyển dụng, bao gồm tìm kiếm ứng viên, liên lạc và sau đó là kiểm tra lại trước khi phỏng vấn.
Ngược lại, Facebook thường được sử dụng để quảng bá thương hiệu của chính nhà tuyển dụng. Đôi khi, họ cũng sử dụng trang mạng này để điều tra về ứng viên trước hoặc sau khi phỏng vấn. Twitter dường như ít được nhà tuyển dụng sử dụng nhất, được sử dụng tương tự như Facebook nhưng rất ít khi họ dùng để điều tra về ứng viên.
Dù là bất cứ mạng xã hội nào, kết quả đưa ra cho người tìm việc rất rõ ràng: đừng bao giờ đăng bất cứ điều gì có thể gây bất lợi cho quá trình ứng tuyển của mình. Bạn chẳng thể nào lường trước được hậu quả của nó. Hãy luôn nhớ rằng, hiện tại có thể nó chưa ảnh hưởng đến bạn, nhưng không đảm bảo rằng sau này bạn vẫn “bình an vô sự”.