• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

71284
Tổng số truy cập:71284
Khách đang online: 164
Đọc vị “từ khóa” trong tin tuyển dụng
Ngày đăng tin: 24/07/2021 18:04

Trong thời gian tìm việc, tuy hoa mắt với một loạt yêu cầu, miêu tả... từ các nhà tuyển dụng, chắc hẳn bạn vẫn nhận ra: một số "từ khóa" luôn lặp đi lặp lại trong các bản miêu tả công việc. "Chịu áp lực tốt", "đa nhiệm", "năng động", "linh hoạt"...? Mọi từ ngữ nghe có vẻ to tát đó thực ra ẩn chứa rất nhiều chi tiết về vai trò của công việc, về văn hóa và kỳ vọng của công ty.

Hiểu các “từ khóa” trong tin tuyển dụng sẽ giúp bạn biết cách chỉnh sửa CV và lên kế hoạch trả lời phỏng vấn sao cho phù hợp với những gì nhà tuyển dụng tìm kiếm. Dưới đây là danh sách những từ ngữ thường xuyên được nhắc tới trong tin tuyển dụng và ý nghĩa sâu xa của chúng.
 
 
Kỹ năng giao tiếp tốt
 
Cụm từ này có nghĩa là công việc đòi hỏi kỹ năng giao tiếp tốt với đồng nghiệp, sếp, khách hàng, đối tác... Ngoài ra, ứng viên cũng cần có khả năng nói và viết rõ ràng, rành mạch. Để thể hiện mình có kỹ năng giao tiếp tốt, bạn có thể kể về kinh nghiệm thuyết trình hoặc đàm phán trực tiếp với khách hàng trong quá khứ.
Từ khóa tương tự: kỹ năng nói - viết tốt, hòa đồng, cởi mở.
 
Cẩn thận
 
Từ việc gửi email mà không mắc lỗi chính tả đến tổ chức các sự kiện phức tạp, người cẩn thận sẽ kiểm tra nhiều lần để đảm bảo nhiệm vụ diễn ra hoàn hảo. Bạn có thể nói về kinh nghiệm lên kế hoạch sự kiện, sắp xếp lịch làm việc của nhóm hoặc giám sát dự án - những kinh nghiệm đòi hỏi kỹ năng này. CV và buổi phỏng vấn xin việc cũng thể hiện phần nào khả năng lên kế hoạch của bạn. Hãy làm theo tất cả hướng dẫn ứng tuyển một cách cẩn thận, gửi CV và thư xin việc không có lỗi chính tả và ngữ pháp. Đến phỏng vấn đúng giờ với đầy đủ giấy tờ cần thiết và phong thái chuyên nghiệp.
Từ khóa tương tự: tỉ mỉ, có khả năng sắp xếp công việc, có khả năng lên kế hoạch, có tổ chức.
 
Năng động
 
Nhân viên năng động có khả năng đảm nhận thêm trách nhiệm bên ngoài mô tả công việc ban đầu. Họ tự tin, có thể làm việc độc lập và có khả năng dẫn dắt trong nhóm và trong dự án. Để thể hiện mình là người năng động, hãy nói về nhiệm vụ ngoài công việc bạn từng đảm nhiệm và đưa ra ví dụ về cách mà bạn đã lãnh đạo nhóm hoặc dự án.
Từ khóa tương tự: khả năng lãnh đạo, không ngại thay đổi, sáng tạo.
 
Chịu áp lực tốt
 
Trong công việc, đôi khi bạn có thể phải hoàn thành nhiệm vụ vào phút chót, xử lý tình huống đột xuất hoặc hoàn thành nhiều deadline cùng lúc. Tất cả những điều này yêu cầu khả năng chịu được áp lực tốt, không rơi vào trạng thái hoảng loạn. Chịu áp lực tốt’ cũng có thể có nghĩa đây là công việc làm nhiều giờ, nhiều áp lực hoặc dễ thay đổi bất ngờ về phương hướng. Để thể hiện khả năng này, hãy nói về những lần bạn hoàn thành nhiều dự án hoặc xử lý sự cố vào phút chót.
Từ khóa tương tự: hoàn thành công việc đúng deadline, nhanh nhẹn.
 
Linh hoạt
 
Từ khóa này có nghĩa công việc này cần tới sự linh hoạt và chủ động. Đừng mong đợi người khác in tài liệu cho bạn: trong môi trường làm việc linh hoạt, người lao động được kỳ vọng tự giải quyết vấn đề của mình. Bạn cũng có thể cần ‘nhảy số’ nhanh chóng, ví dụ: làm việc đột xuất vào buổi tối hoặc cuối tuần, làm nhiều hơn những gì được giao.
Từ khóa tương tự: đa nhiệm, không ngại thay đổi.
 
Tư duy đột phá
 
Các công ty sử dụng từ này để ám chỉ họ đang tìm kiếm một ‘siêu sao’, người xuất sắc trong lĩnh vực của họ. Đừng dùng từ này để tự nói về bản thân - nghe sẽ hơi tự phụ. Lưu ý rằng việc sử dụng những từ kiểu này trong tin tuyển dụng có thể cho thấy đây là công việc ‘khó nhằn’, yêu cầu làm nhiều giờ hoặc có khối lượng, kỳ vọng mục tiêu lớn.
Từ khóa tương tự: sáng tạo đổi mới, không ngại khó, lăn xả.
 
Nhiệt huyết
 
Khi dùng từ này, công ty kỳ vọng nhân viên sẽ làm nhiều hơn những gì được giao. Họ muốn tìm nhân viên say mê với công việc, với ngành nghề, không tìm người hay phàn nàn hoặc chỉ đợi 5h chiều để tan làm. Để thể hiện bạn có sự nhiệt huyết, nghiên cứu kỹ công ty trước khi gửi CV. Điều này sẽ giúp bạn hiểu hơn về giá trị cốt lõi của công ty, qua đó, thể hiện được sự quan tâm mạnh mẽ của mình với vai trò này.
Từ khóa tương tự: tận tâm, nhiệt tình với công việc.
 
Làm việc hiệu quả
 
Khi dùng cụm từ này, công ty sẽ muốn thấy bạn có khả năng mang về lợi ích rõ rệt cho công ty. Hãy sử dụng từ khóa này như một cái cớ để nêu ra thành tích trong quá khứ, ví dụ: tăng doanh số bán hàng, kiếm bao nhiêu hợp đồng về cho công ty, tham gia dự án đoạt giải thưởng…
 
 
Chủ động trong công việc
 
Đừng hy vọng mình sẽ được ‘cầm tay chỉ việc’ khi nộp đơn ứng tuyển công việc này. Thay vào đó, bạn sẽ phải tự lực cánh sinh - tìm cách hoàn thành mục tiêu với rất ít sự hỗ trợ. Để thể hiện mình có khả năng tự lực, hãy kể về những lần bạn làm việc độc lập và đạt kết quả tốt. Nếu bạn là người thích đặt nhiều câu hỏi, đây có thể không phải vị trí tốt cho bạn. Và nếu vai trò này có nhiều nhiệm vụ mới đối với bạn, nó có thể không phải lựa chọn phù hợp. Bạn sẽ tự làm khó mình nếu nhận công việc có trách nhiệm không quen thuộc mà không có sự đào tạo hoặc giám sát.
Từ khóa tương tự: sẵn sàng làm việc độc lập, tháo vát.
 
Có khả năng làm việc nhóm
 
Cụm từ phổ biến này ám chỉ bạn sẽ thường xuyên làm việc với một hoặc nhiều nhóm và công ty quan tâm đến kết quả nhóm hơn cá nhân. Để thể hiện khả năng này, hãy kể về khả năng hợp tác tốt với đồng nghiệp và điểm mạnh của bạn khi tham gia các buổi brainstorming. Bạn cũng có thể xưng "chúng tôi" thay vì "tôi" khi trả lời một số câu hỏi liên quan đến làm việc nhóm trong cuộc phỏng vấn.
Từ khóa tương tự: có tinh thần tập thể
 
Nói có sách, mách có chứng
 
Rõ ràng, có rất nhiều thông tin ẩn đằng sau những từ ngữ phổ biến trong tin tuyển dụng. Khi viết CV, thư xin việc và chuẩn bị phỏng vấn, hãy ghi nhớ câu thành ngữ: “Nói có sách, mách có chứng”. Thay vì kể lể, hãy trình bày ‘bằng chứng’ cho thấy bạn có phẩm chất được nêu trong mô tả công việc. Ví dụ, thay vì gọi bản thân là người "chủ động trong công việc", hãy kể về lần bạn hoàn thành dự án một mình.
 
Hy vọng với những từ khóa trên, bạn đã có bộ lọc công việc của riêng mình, để nhận ra đâu là vị trí phù hợp, cũng như đánh giá được thu nhập có tương xứng với những gì công ty mong muốn ở vị trí đó không. Chúc bạn trăm trận trăm thắng.
Số lượt đọc: 773 -