Chiến thuật quản lý cho Giám đốc Kinh doanh mới nhậm chức
Ngày đăng tin: 16/12/2021 11:41
Khi mới nhậm chức Giám đốc Kinh doanh, cùng với niềm vui thăng tiến thì bạn cũng sẽ đồng thời phải đối mặt với các nhiệm vụ mới. Trong đó, quan trọng nhất là làm sao để nhanh chóng nắm bắt tình hình kinh doanh, thích nghi với việc quản lý bộ phận.
Giám đốc Kinh doanh là người quyền quyết định với các quyết sách của bộ phận kinh doanh. Trong những tập đoàn lớn thì có thể có nhiều Giám đốc Kinh doanh được quản lý bởi Tổng giám đốc hoặc cơ chế đơn giản hơn là dưới Giám đốc Kinh doanh có các phòng kinh doanh khác nhau, phụ trách từng mảng riêng biệt. Ở những công ty nhỏ, Giám đốc Kinh doanh cũng tương đương với Trưởng phòng Kinh doanh. Khi đảm nhiệm vai trò này, bạn có "quyền lực", đồng thời có trách nhiệm phải hoàn thành. Đặc biệt là trong khoảng thời gian 3 tháng sau khi nhậm chức, bạn sẽ buộc phải thích nghi với toàn bộ công việc.
Giám đốc kinh doanh mới nhậm chức làm thế nào để quản lý hiệu quả?
I. Giám đốc Kinh doanh mới nhậm chức thường gặp thách thức gì?
Nếu bạn đã đủ năng lực, kinh nghiệm để làm Giám đốc Kinh doanh thì chắc chắn bạn là một nhân tài, vô cùng xuất sắc trong lĩnh vực của mình. Tuy vậy, dù là ai hay ngành nghề nào cũng vậy, bắt đầu ở một vai trò mới sẽ luôn có những khó khăn, thách thức như:
- Chưa quen với các quản lý cấp dưới (trưởng phòng, giám sát, trưởng nhóm) và nhân viên, chưa hiểu phong cách làm việc, ưu khuyết điểm của họ.
- Chưa quen với quy trình làm việc mới.
- Áp lực chứng minh năng lực bản thân bằng cách dẫn dắt bộ phận tăng doanh số.
- Chưa có được sự ủng hộ và tin phục của mọi người...
Đó chỉ là một số vấn đề mà Giám đốc Kinh doanh phải đối mặt khi mới nhậm chức. Chỉ cần vượt qua được giai đoạn đầu tiên với những chiến thuật quản lý thông minh, bạn sẽ thêm tự tin và bắt đầu từng bước đạt được những thành công.
II. Chiến thuật quản lý cho Giám đốc Kinh doanh mới nhậm chức
1. Đánh giá điểm mạnh của bản thân với tư cách là người lãnh đạo
Trước khi trở thành Giám đốc Kinh doanh, bạn nên suy nghĩ kỹ về lý do tại sao bạn muốn trở thành người đứng đầu. Chúng ta không thể tạo nên hiệu suất cao dựa trên điểm yếu hay những mục tiêu biết chắc rằng không thể làm được. Nếu bạn hiểu được điểm mạnh của mình, nhóm của bạn sẽ đi theo sự dẫn dắt của bạn. Thông qua việc tự hỏi bản thân, bạn có thể nhận thức đúng về mình và thể hiện hình ảnh bạn mong muốn trước nhân viên của mình, để họ phần nào hiểu được phong cách, kỹ năng lãnh đạo của bạn, cách làm việc cùng.
2. Tìm hiểu về bộ phận bạn quản lý
Bộ phận nào trong công ty cũng sẽ có mục tiêu chung và bên kinh doanh cũng vậy. Mỗi thành viên trong nhóm của bạn là những cá nhân độc nhất và không bao giờ cư xử giống hệt nhau dẫn đến Giám đốc kinh doanh phải biết cách làm việc với từng người, sao cho khai thác tốt nhất năng lực, thế mạnh của họ. Khi chỉ vừa nhậm chức, bạn sẽ rất khó để làm điều này.
Tuy vậy, đừng lo lắng, bạn chỉ cần nghĩ rằng đó là một trong những khía cạnh thú vị nhất của vai trò quản lý. Mỗi người trong bộ phận của bạn sẽ có động cơ, mục tiêu, thách thức và cách suy nghĩ riêng nhưng nếu biết dẫn dắt đúng hướng thì kết quả cuối cùng là thành công cho tất cả. Quan tâm đến mọi người với tư cách cá nhân sẽ có hiệu quả hơn bạn nghĩ. Dù bạn còn chưa quen thuộc với họ nhưng hãy đối xử chân thành, tin tưởng và trao quyền cho họ.
3. Hiểu nguyện vọng của nhân viên
Một trong những hành động đầu tiên của bạn với tư cách là Giám đốc Kinh doanh nên bao gồm tổ chức các cuộc họp với trưởng phòng, giám sát, trưởng nhóm và các nhân viên của mình. Hãy lắng nghe họ xem quan điểm, nguyện vọng của họ như thế nào. Ban đầu, mọi người có thể còn ngại ngần hoặc chưa biết mục đích của bạn là gì nhưng dần dần, tất cả sẽ hiểu rằng bạn muốn có môi trường làm việc công bằng, dân chủ. Điều này tốt cho cả văn hóa công ty cũng như hiệu suất công việc.
4. Phân công công việc hợp lý
Như đã đề cập ở trên, các Giám đốc Kinh doanh mới đều sẽ gặp vấn đề trong quản lý nhân sự và hiểu về cơ cấu phòng ban. Bạn chưa quen nên làm sao để biết ai làm việc tốt, ai chưa tốt hoặc ai có thế mạnh là gì? Ở giai đoạn đầu, tốt nhất là bạn đọc kỹ tài liệu, đánh giá hiệu suất từ trước để có ấn tượng với nhân viên của mình, sau đó phân công công việc dựa trên ý kiến và gợi ý từ những người quản lý cấp dưới - những giám sát, trưởng nhóm. Khi bạn có tiền đề để đánh giá thì có thể chỉ định các nhiệm vụ rõ ràng và chính xác hơn.
5. Xác định quy trình tuyển dụng
Để có được một đội ngũ nhân viên kinh doanh làm việc năng suất, chất lượng, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận ấn tượng thì Giám đốc Kinh doanh cần chú ý ngay từ khâu tìm kiếm và tuyển người. Bạn nên có một chiến lược phỏng vấn và đánh giá, rõ ràng về các tiêu chí bạn kỳ vọng, những yếu tố mà ứng viên bắt buộc phải có. Dĩ nhiên, trong giai đoạn đầu, bạn nên tham gia phỏng vấn với thành viên khác trong team và bộ phận tuyển dụng.
Bí quyết quản lý cho Giám đốc kinh doanh mới nhậm chức
6. Tạo chương trình cố vấn ngang hàng
Chương trình cố vấn đồng nghiệp thường có thể đóng vai trò như một con đường sáng kiến, trong đó Giám đốc - người quản lý cấp cao lãnh đạo các thành viên của mình theo cách thể hiện sự quan tâm đến việc thúc đẩy, tạo điều kiện để nhân viên phát triển sự nghiệp lên một tầm cao mới. Bạn có thể dành thời gian, dù ngắn ngủi mỗi tuần hoặc mỗi tháng để trao đổi với nhân viên, sau đó đánh giá hiệu suất của họ, tư vấn cho họ và nghe cách họ nhìn nhận tình hình kinh doanh, nhận xét về quy định và chính sách mới...
Một Giám đốc Kinh doanh giỏi sẽ biết cách lãnh đạo, trao quyền, hỗ trợ và hướng dẫn nhân viên của mình. Với các chiến thuật quản lý thông minh, hiệu quả như trên, bạn hoàn toàn có thể tự tin thích nghi và làm tốt công việc ngay khi vừa nhậm chức, tạo ra những trải nghiệm tích cực cho nhân viên, xây dựng bộ phận phát triển mạnh và luôn có động lực, đóng góp vào thành công cho công ty.