Cách vượt qua nỗi lo lắng trong buổi phỏng vấn xin việc
Ngày đăng tin: 20/05/2023 17:58
Lo lắng vì sắp có phỏng vấn việc làm là trạng thái tâm lý có thể dễ dàng lý giải. Cho dù bạn có kinh nghiệm đi làm nhiều năm, tham gia nhiều buổi phỏng vấn thì vẫn có thể cảm thấy một chút lo âu. Vậy, có cách nào để vượt qua nỗi lo lắng trong phỏng vấn hay không?
Chuẩn bị cho buổi phỏng vấn việc làm, chúng ta có thể chỉ tập trung vào mặt "kỹ thuật", ví dụ như cách trả lời câu hỏi phỏng vấn, cách giới thiệu bản thân, cách đặt câu hỏi ngược cho nhà tuyển dụng,... Thế nhưng, có một yếu tố ảnh hưởng khá nhiều tới kết quả phỏng vấn nhưng lại hay bị bỏ qua, đó là làm sao để tự tin, vượt qua được "tâm lý" lo lắng trong phỏng vấn.
1. Vì sao chúng ta lo âu, căng thẳng khi đi phỏng vấn?
Tố chất tâm lý của mỗi người là khác nhau, nhưng điểm chung là hầu hết chúng ta đều ít nhiều lo lắng khi đi phỏng vấn. Xác định một số lý do chính có thể lý giải "bí mật" đằng sau việc bạn cảm thấy "run", mất tự tin khi đối mặt với nhà tuyển dụng cũng sẽ là cách để sẵn sàng vượt qua nỗi sợ.
- Trân trọng cơ hội việc làm mơ ước.
- Sợ mình thể hiện không tốt, làm mất cơ hội.
- Do tâm lý hay lo lắng trước mỗi dịp quan trọng.
- Do chưa chuẩn bị kỹ lưỡng nên "sợ" gặp phải câu hỏi, vấn đề không biết trả lời.
- Chưa từng đi phỏng vấn, cũng chưa tìm hiểu kỹ, hỏi kỹ thông tin về các vòng phỏng vấn,...
Để khắc phục nỗi lo khi đi phỏng vấn, bạn có thể vận dụng các phương pháp được chứng minh là hiệu quả, từ trước, trong và sau phỏng vấn.
2. Cách giảm bớt lo lắng trước phỏng vấn
Thực tế, sự chuẩn bị cả về mặt tâm lý không bao giờ là thừa. Cách giảm bớt lo lắng trước phỏng vấn cụ thể như sau:
- Chăm sóc tốt bản thân và tự tạo động lực: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi chúng ta mệt mỏi thì rất khó có thể có năng lượng hay động lực, và cũng thường khiến chúng ta mất tự tin. Vì vậy, dù cho bạn đang trong quá trình tìm việc, lo lắng cho buổi phỏng vấn nói riêng và các cơ hội việc làm nói chung thì cũng hãy chăm sóc tốt cho bản thân, ngủ đúng giờ để có thể gặp nhà tuyển dụng với năng lượng tích cực, tươi sáng.
Cùng với đó, hãy tự nhủ rằng việc bạn đi phỏng vấn là một cơ hội tốt, động lực của bạn là việc làm lý tưởng, lương thưởng cạnh tranh. Tự tạo động lực cũng là một cách để bạn trấn an tinh thần khá hiệu quả đấy!
- Tưởng tượng về triển vọng phỏng vấn thành công: Thay vì sợ thất bại (ngay cả khi còn chưa phỏng vấn), hãy hình dung viễn cảnh bạn thể hiện tốt trong phỏng vấn - nhà tuyển dụng vui vẻ và đánh giá cao ở bạn, gửi job offer "xịn sò" cho bạn, bạn có thể học hỏi và thăng tiến sự nghiệp sau đó,... Đây là lối suy nghĩ tích cực nên có nếu bạn muốn tự tin vượt qua phỏng vấn.
- Thực hiện các nghiên cứu cần thiết để có thông tin: Dĩ nhiên, bạn cũng phải chắc chắn rằng mình "có gì đó" để đến phỏng vấn. Không ai có thể tự tin nổi khi mà làm bất cứ việc gì, đặc biệt là trong các dịp quan trọng như phỏng vấn - mà không chuẩn bị. Thông tin là cơ sở để bạn thể hiện bản thân trước nhà tuyển dụng, cũng như trả lời câu hỏi suôn sẻ. Hãy tìm, đọc về công ty, thị trường, ngành, các đánh giá (review) công ty, vai trò việc làm bạn ứng tuyển. Đọc kỹ JD (mô tả công việc) cũng rất cần thiết.
- Chuẩn bị cho phỏng vấn: Những chuẩn bị cơ bản nhất sẽ là - Chuẩn bị lời giới thiệu bản thân, cách trả lời câu hỏi phỏng vấn (bao gồm câu hỏi chung và câu hỏi theo từng vai trò, lĩnh vực), cách đặt câu hỏi ngược cho nhà tuyển dụng, cách phản ứng khi chưa nghĩ ra đáp án,...
Bên cạnh đó, chuẩn bị cho phỏng vấn còn có nghĩa là bạn chuẩn bị một "tâm hồn đẹp" - phong thái tự tin, tươi tắn, chuyên nghiệp, trang phục phỏng vấn phù hợp và lịch sự. Như vậy, ít nhất bạn cũng sẽ sẵn sàng và thoải mái hơn khi gặp và trao đổi với
nhà tuyển dụng.
3. Cách để đối mặt với cuộc phỏng vấn trực tiếp mà không quá lo lắng
Khi bắt đầu buổi phỏng vấn, bạn hãy chuyển sang các phương pháp sau đây để chinh phục nhà tuyển dụng nhé.
- Đừng gục ngã trước áp lực phỏng vấn: Dù cho bạn cảm thấy áp lực đến thế nào, đừng thể hiện hoặc khiến áp lực đó làm bạn bối rối, căng thẳng trước nhà tuyển dụng. Mỉm cười, chào hỏi và duy trì giao tiếp bằng mắt trong suốt buổi trò chuyện sẽ giúp bạn duy trì phong thái và sự tự tin.
Thực tế, áp lực phỏng vấn thông thường chỉ kéo dài trong khoảng 30 phút - 1 tiếng đồng hồ. Bạn đã chuẩn bị, bạn có bằng cấp, chứng chỉ/ tay nghề và kinh nghiệm - vậy thì tại sao bạn lại không thể vượt qua được khoảng thời gian ngắn như vậy? Một khi bạn thoải mái, tự tin thì nhà tuyển dụng cũng sẽ tôn trọng và đánh giá cao ở bạn, hai bên có thể trao đổi cởi mở hơn.
- Áp dụng kỹ thuật "phỏng vấn ngược" nhà tuyển dụng: Tiếp theo đó, bạn hãy nhớ rằng giao tiếp nói chung và phỏng vấn nói riêng là quá trình trao đổi 2 chiều. Ứng viên chỉ thụ động nghe câu hỏi và cố gắng trả lời sẽ không mang lại hiệu quả. Đổi lại, bạn càng tự tin và chủ động, bạn càng không bị "lép vế" trước nhà tuyển dụng. Hãy thẳng thắn, lịch sự, có thể đặt các câu hỏi cho nhà tuyển dụng, lắng nghe chia sẻ của họ. Kỹ thuật này thường giúp ứng viên tự tin hơn rất nhiều vì bạn đang tham gia và có khả năng dẫn dắt buổi trao đổi.
- Giải tỏa cảm giác lo lắng: Ngồi thẳng lưng nhưng không "cứng đơ", hít thở đều và nhẹ nhàng nhưng không thở dài hoặc thở hắt ra, duy trì ngôn ngữ cơ thể,... là những cách điều chỉnh cần thiết để bạn thấy tự nhiên và thoải mái hơn, bớt lo âu hơn trong phỏng vấn.
- Quản lý tốt thời gian cho từng câu hỏi trong phỏng vấn: Trả lời câu hỏi phỏng vấn cụt ngủn hoặc nói quá dài dòng sẽ gây áp lực không chỉ cho bạn mà còn cho cả người phỏng vấn bạn. Chắc chắn bạn sẽ dễ căng thẳng hơn khi mà đang nói, và thấy thái độ của nhà tuyển dụng "ngao ngán" hoặc "bất ngờ" vì "chỉ có thế thôi sao" hay "vì sao lại nói dài như vậy?".
Khi tập trả lời các câu hỏi phỏng vấn hay gặp, bạn hãy thử căn thời gian. Ngay cả khi muốn kể một câu chuyện liên quan - ví dụ như cách bạn xử lý tình huống cụ thể, thì cũng cần đảm bảo sao cho câu chuyện đó ngắn gọn, dễ hiểu.
4. Làm sao để thư giãn sau phỏng vấn?
Một khi phỏng vấn đã kết thúc, dù cho bạn đã thể hiện tốt hay chưa thì bạn cũng đã hoàn thành. Thay vì tiếp tục lo lắng đến kết quả phỏng vấn, sợ nhà tuyển dụng đánh giá tiêu cực về mình, cảm thấy chán nản,..., bạn hãy:
- Đừng tự trách mình nếu thể hiện chưa thực sự tốt.
- Động viên bản thân.
- Cho mình thời gian nghỉ ngơi.
- Rút kinh nghiệm, chuẩn hóa kỹ năng trả lời phỏng vấn cho các cơ hội việc làm tiếp theo.
Có thể nói, kết quả phỏng vấn phụ thuộc nhiều nhất vẫn là ở kinh nghiệm, bằng cấp và kỹ năng thực tế. Trong phỏng vấn, thái độ tự tin cũng như khả năng giao tiếp sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh ứng viên của bạn và quyết định cơ hội việc làm. Thay vì lo lắng hay tự trách, việc rút kinh nghiệm và hoàn thiện kỹ năng phỏng vấn vẫn sẽ quan trọng và ý nghĩa hơn.
5. Một số "kỹ thuật" giúp bạn tự tin tham gia phỏng vấn
Bên cạnh các cách vượt qua nỗi lo lắng khi tham gia phỏng vấn, bạn cũng đừng quên một số mẹo hữu ích sau đây để tổng thể buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ, thành công:
- Tự định vị, đánh giá khách quan về bản thân.
- Hình dung ra các tình huống có thể xuất hiện và nghĩ cách ứng phó.
- Điều chỉnh nhịp thở.
- Duy trì nhịp độ của bản thân.
- Chuẩn bị các câu hỏi ngược và cách chuyển chủ đề trong phỏng vấn.
Tự tạo động lực, tự trấn an tinh thần và lạc quan, tự tin tham gia phỏng vấn có thể không phải một nhiệm vụ đơn giản cho
ứng viên, nhất là các bạn ít kinh nghiệm và/ hoặc tính cách hướng nội. Mong rằng các chia sẻ trên đây của Cevn sẽ giúp bạn có định hướng để chuẩn bị và thực hiện phỏng vấn hiệu quả hơn, thành công hơn!