• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

70502
Tổng số truy cập:70502
Khách đang online: 344
Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn Bạn có thấy mình đã làm tốt công việc hiện tại?
Ngày đăng tin: 21/09/2021 15:38

Trong cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra những câu hỏi để đánh giá chính xác nhất về năng lực, khả năng phản ứng, cách giải quyết vấn đề và cả sự tự nhìn nhận về bản thân của ứng viên. "Bạn có thấy mình đã làm tốt công việc hiện tại?" là một câu hỏi đơn giản nhưng không có nhiều ứng viên trả lời hợp lý.

Hầu hết các ứng viên đều có vẻ băn khoăn và ngại ngùng khi trả lời câu hỏi về hiệu quả công việc trong vai trò hiện tại. Lúc này, họ thường phản ứng là "Tôi cũng không rõ lắm nhưng dù sao đây cũng là một câu hỏi hay". Thậm chí, một số người chưa từng nghĩ về câu hỏi này và hoàn toàn im lặng vì không biết phải nói gì. Trên thực tế, câu hỏi "Bạn có thấy mình đã làm tốt công việc hiện tại" là một vấn đề không khó trả lời, điều quan trọng nhất vẫn là thái độ tự tin của ứng viên.


Trả lời câu hỏi về hiệu quả công việc hiện tại của bạn như thế nào từ nhà tuyển dụng?

Cách trả lời câu hỏi "Bạn có thấy mình đã làm tốt công việc hiện tại?"
 
Để có thể trả lời câu hỏi phỏng vấn này một cách tốt nhất, ứng viên cần hiểu được kỳ vọng của nhà tuyển dụng. Họ mong đợi gì từ đáp án mà ứng viên đưa ra? Một số nội dung chính bạn nên chú ý gồm có:
  • Bạn định nghĩa như thế nào là "làm tốt"?
  • Bạn tiếp cận một dự án chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng hay quan tâm đến những gì bạn học hỏi được trong quá trình thực hiện?
  • Bạn tự tin vào khả năng của mình như thế nào và bạn có tin vào chính mình không? Mặt khác, bạn có hiểu được rằng tự tin không có nghĩa là quá tự mãn hay khoác lác không?
  • Điều gì thúc đẩy bạn khi bạn làm việc hướng tới mục tiêu? Điều gì giúp bạn tiến về phía trước?
  • Làm thế nào để bạn cộng tác với đồng nghiệp của mình? Bạn thấy thành công của mình là thành tựu của cá nhân hay cả nhóm?
1. Tự tin nói "Vâng, tôi cảm thấy mình đã nỗ lực và hoàn thành tốt các nhiệm vụ công việc"
 
Điều đầu tiên, khi nghe câu hỏi của người phỏng vấn, bạn phải tự tin nói rằng mình đã làm tốt công việc hiện tại, nhất định đừng nói ra đáp án phủ định. Không nhà tuyển dụng nào muốn thuê một người không có niềm tin vào bản thân.
 
Dĩ nhiên, bạn cũng không nên tỏ ra quá tự phụ. Bạn có thể nói rằng: "Tôi cảm thấy mình đã làm tốt công việc hiện tại. Dù không muốn khoe khoang nhưng thực tế, tôi đã luôn chăm chỉ trong 2 năm qua và đạt được những thành tích như [...]". Bạn không cần cảm thấy ngại ngùng, hãy coi việc nói về những thành tích của bản thân chỉ đơn giản là liệt kê sự thật về sự nghiệp của bạn. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cơ thể cũng rất quan trọng - bạn nên duy trì sự đĩnh đạc và giao tiếp bằng mắt, đừng băn khoăn hay do dự với câu trả lời. Hãy tự tin và làm chủ thành công của mình, cho dù đó là gì và cho dù bạn đang ở giai đoạn nào của sự nghiệp.

2. Làm nổi bật những thành tựu cụ thể
 
Không chỉ đưa ra một lời khẳng định, bạn cần nói rõ về những thành tích của mình để thuyết phục nhà tuyển dụng. Có thể họ không kỳ vọng ứng viên thăng chức 3 lần 1 năm nhưng bạn cần phải đạt được thành tựu cụ thể, ví dụ như đã tăng doanh số bán hàng lên 15% mỗi tháng, liên tục trong 3 tháng. Ít nhất, bạn phải chứng tỏ khả năng trong việc đặt mục tiêu rõ ràng và theo đuổi đến cùng.
 
Nếu bạn có thể gắn mục tiêu nghề nghiệp với vị trí bạn đang phỏng vấn thì càng tốt. Bạn có thể sử dụng câu trả lời của mình như một cơ hội để kể một câu chuyện nêu bật tài năng, phẩm chất hoặc kỹ năng cụ thể mà bạn có khiến bạn trở thành ứng viên lý tưởng cho công việc. Câu chuyện phải rõ ràng, đáng tin cậy và tránh các chi tiết mơ hồ.

3. Giải thích cách bạn xác định như thế nào là làm tốt
 
Mỗi câu trả lời bạn đưa ra là cơ hội để bạn chia sẻ về tầm nhìn, tính cách và bề dày kinh nghiệm của mình. Khi bạn nói về một vài thành tích của bản thân thì bạn cũng đồng thời phải nghĩ về lý do tại sao bạn xem đó là thành công và sẵn sàng giải thích như một phần của câu trả lời.
Chẳng hạn, vượt qua một kỳ thi lấy chứng chỉ là một thành tựu nhưng như vậy chưa đủ. Bạn hãy cho người phỏng vấn biết lý do tại sao bạn coi việc vượt qua kỳ thi đó là một thành công, ý nghĩa của nó đối với bạn hoặc công việc của bạn và điều đó đã dẫn đến kết quả như thế nào. Nhìn chung, việc bạn cần chú ý là đảm bảo rằng ví dụ không quá đơn giản.

4. Nói về quá trình
 
Mọi người đều biết rằng thành công không xảy ra trong một sớm một chiều và chắc chắn điều đó sẽ không xảy ra nếu không có kế hoạch, tập trung và kiên trì. Vì vậy, bạn không nên chỉ nói về kết quả cuối cùng, thay vào đó hãy chia sẻ thêm về hành trình của mình: Các bước bạn đã thực hiện để đạt được mục tiêu, nêu bật mốc thời gian và các sự kiện quan trọng. Cuộc hành trình cũng là một phần của thành công cũng như kết quả cuối cùng.
 


Hướng dẫn trả lời câu hỏi phỏng vấn để gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng

5. Đừng quên nhắc tới nhóm làm việc
 
Thành công trong môi trường chuyên nghiệp hầu như luôn liên quan đến một đội, nhóm. Vì vậy, mặc dù đây là một cuộc phỏng vấn và bạn không muốn quá khiêm tốn nhưng bạn vẫn nên đề cập đến các kỹ năng hợp tác của mình. Bạn có nhiều khả năng phải làm việc trong một nhóm mới khi trúng tuyển và bạn cần biết cách phối hợp với những người xung quanh vì mục tiêu chúng. Đặc biệt, nếu bạn đang phỏng vấn cho vai trò quản lý, bạn có thể nêu bật thành công gần đây của nhóm như một cơ hội để thể hiện kỹ năng lãnh đạo.

6. Lên kế hoạch
 
Cho dù câu hỏi "Bạn có thấy mình đã làm tốt công việc hiện tại?" có đơn giản thế nào thì vẫn không có nghĩa là bạn có thể đưa ra đáp án đầy đủ và ấn tượng ngay cả khi bạn không có thời gian suy nghĩ. Để chắc chắn, tốt nhất là bạn nên lập kế hoạch ngay từ trước cuộc phỏng vấn. Bạn có thể xem lại CV và thành tích, ghi chú lại khoảng 2 - 3 thành tựu xuất sắc nhất, bạn thấy tự hào nhất để sử dụng làm ví dụ khi cần thiết. Đồng thời, bạn cũng có thể xem lại mô tả công việc của nhà tuyển dụng, sau đó tạo mối liên hệ giữa kinh nghiệm của mình và những gì công ty đang tìm kiếm rồi tập trung ví dụ vào lĩnh vực đó.
 
Sự tự tin luôn được đánh giá cao khi bạn xin việc và điều này thể hiện ngay ở cách tiếp cận vấn đề, cách phản ứng và thái độ của bạn. Chuẩn bị trước cho các câu hỏi phỏng vấn sẽ giúp bạn luôn duy trì được sự bình tĩnh, tự tin để gây ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng.
Số lượt đọc: 432 -