7 cách thể hiện tinh thần ham học hỏi khi phỏng vấn
Ngày đăng tin: 06/07/2022 16:40
Công nghệ và kiến thức mới không ngừng ra đời đòi hỏi chúng ta phải liên tục cập nhật nếu không muốn thụt lùi về sau. Tinh thần ham học hỏi những kỹ năng mới sẽ giúp bạn trở thành chuyên gia, dễ dàng thăng tiến trong sự nghiệp và cùng đưa doanh nghiệp đi lên. Đó là lí do vì sao khi sàng lọc ứng viên, các nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm những người ham học hỏi và thích khám phá nhiều điều mới mẻ.
Vậy làm thế nào để chứng tỏ sự sẵn sàng học hỏi trong buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng tiềm năng? Nếu đây là thắc mắc của bạn thì hãy tham khảo ngay cách truyền đạt tốt nhất kỹ năng này sau đây nhé.
Đặt câu hỏi liên quan bất cứ khi nào cần thiết
Đặt câu hỏi trong buổi phỏng vấn không chỉ giúp bạn hiểu hơn về công việc và công ty mà còn là cách đơn giản để thể hiện bạn là người ham học hỏi và sẵn sàng tự nghiên cứu. Bí quyết ở đây là đảm bảo câu hỏi của bạn có ý nghĩa. Ví dụ, đừng hỏi “Công ty này làm gì?” mà thay vào đó, hãy hỏi: “Tôi đã dành thời gian tìm hiểu và nhận thấy các đối thủ cạnh tranh chính của công ty là X và Y. Vậy vị trí mà tôi ứng tuyển đóng vai trò gì trong việc giúp công ty trở nên khác biệt hơn so với họ?”.
Ngoài việc hỏi về công ty và mô tả công việc, bạn có thể mở rộng đến các chương trình đào tạo và cơ hội phát triển mà doanh nghiệp dành cho nhân viên. Điều này sẽ cho thấy rằng bạn quan tâm đến việc tiếp tục học hỏi kể cả sau khi đã nhận được công việc.
“Thể hiện tinh thần ham học hỏi khi phỏng vấn cho thấy rằng bạn nhanh chóng nắm bắt công việc, ứng dụng kiến thức theo cách tốt nhất và có nhiều khả năng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.”
Nói về các xu hướng và công nghệ mới
Cập nhật các xu hướng và sự kiện trong lĩnh vực là một cách khác để thể hiện tinh thần ham học hỏi. Đặc biệt nếu bạn là “lính mới”, việc thể hiện sự hiểu biết về những công nghệ mới tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn cho công ty hay các chủ đề nóng hổi liên quan đang được thảo luận trên mạng xã hội… sẽ để lại ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng.
Chẳng hạn, nếu ứng tuyển vào vị trí Digital Marketing, bạn có thể nói về những thay đổi trong chính sách quảng cáo của Google đã ảnh hưởng đến chiến lược tiếp thị như thế nào. Ngoài ra, hãy cho thấy bạn có sự hiểu biết về thiết kế web, lập trình máy tính, viết code, thiết kế đồ họa… Dù không phải là một chuyên gia nhưng kiến thức cơ bản về những kỹ năng quan trọng này sẽ khiến bạn được đánh giá cao hơn.
Nếu trước đây nhà tuyển dụng chỉ cần biết bạn có thể làm công việc mà họ cần bạn làm hay không thì ngày nay, họ muốn những nhân viên có thể theo kịp các xu hướng mới nhất của ngành và sẵn sàng nâng cấp kỹ năng để mang đến nhiều lợi thế cạnh tranh hơn.
Đề cập đến các khóa học đã tham gia và chứng chỉ đạt được
Một cách tuyệt vời để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng về tinh thần ham học hỏi của bạn là cho họ xem các chứng chỉ liên quan đến các kỹ năng và khóa học bổ sung mà bạn đã hoàn thành. Nếu công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng và trình độ chuyên môn cao hơn mà bạn có thể chưa có, hãy đưa ra kế hoạch để đạt được những yêu cầu này thông qua các khóa học hoặc nghiên cứu trực tuyến. Hành động tích cực này sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là người có động lực, quyết tâm và có khả năng thích ứng cao.
Giải thích tinh thần ham học hỏi của bạn đã mang lại lợi ích như thế nào ở công việc trước đây
Nếu bạn đã từng đưa ra cách xử lý trở ngại thông minh và giải pháp đó xuất phát từ khả năng học hỏi của riêng bạn, thì đừng quên nhắc đến với nhà tuyển dụng. Bởi nó sẽ cho thấy mức độ tận tâm của bạn đối với công việc, chủ động để đạt được các kỹ năng cần thiết mà không cần hướng dẫn và giám sát đồng thời bạn cũng sẽ mang lại lợi ích đó cho họ nếu được tuyển dụng.
Chấp nhận thất bại và cho biết những gì bạn đã học được từ đó
Những người có tư duy tích cực hiểu rằng phạm sai lầm là một phần quan trọng của việc học hỏi và trưởng thành. Trước khi đi phỏng vấn, hãy vạch ra kế hoạch bạn sẽ nói về thất bại nào, bạn chịu trách nhiệm ra sao về tổn thất thay vì đổ lỗi cho người khác, và quan trọng nhất, hãy kể những gì bạn đã học được từ đó cũng như cách sẽ làm tốt hơn vào lần tới.
Hỏi về người cố vấn
Hỏi ai sẽ là người cố vấn, hỗ trợ tốt nhất cho bạn trong công ty khiến nhà tuyển dụng xem bạn là một phần của nhóm và cho thấy rằng sau khi được tuyển dụng, bạn sẽ tích cực tìm kiếm người có thể giúp bạn gia tăng kiến thức và vốn hiểu biết, thay vì chỉ đơn giản là đợi đến lúc cả hai sẽ gặp nhau khi cần thiết.
Lắng nghe tích cực
Một cách dễ dàng chứng tỏ tinh thần sẵn sàng học hỏi là trực tiếp thể hiện điều này trong buổi phỏng vấn, thông qua việc chăm chú lắng nghe nhà tuyển dụng, đặt câu hỏi dựa trên những gì họ nói và không ngắt lời khi họ đưa ra câu trả lời.
Không phải ai cũng có thể lắng nghe tích cực và nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ứng viên dễ nói chuyện cùng cũng như không bị bồn chồn dưới áp lực. Tất nhiên, điều này cũng cho thấy bạn sẵn sàng tìm hiểu, có tinh thần ham học hỏi và ứng phó với các tình huống bất ngờ hơn là đưa ra những câu trả lời được soạn sẵn.