Điểm mặt 5 lý do khiến cố gắng của bạn trong công việc bị xem là vô nghĩa
Ngày đăng tin: 06/08/2024 22:06
Sẽ thật tệ nếu những cố gắng của bạn trong công việc không mang lại kết quả tốt hoặc thậm chí bị xem là vô nghĩa và cho dù có cố gắng đến mấy thì cũng bằng thừa.
Có nhiều yếu tố có thể khiến bạn rơi vào tình trạng này, tuy nhiên dưới đây là 05 lý do phổ biến nhất làm cho nỗ lực không đạt được kết quả tốt như bạn mong đợi, cùng tham khảo với Cevn nhé!
Thiếu mục tiêu rõ ràng
Khi bạn nỗ lực làm một điều gì đó hết sức có thể, nhưng lại không có mục tiêu rõ ràng sẽ khiến cho những nỗ lực của bạn bị xem là vô nghĩa. Lý do bởi vì việc bạn không biết mình đang hướng đến điều gì có thể gây mất nhiều thời gian và công sức của bạn hơn cho những nhiệm vụ không quan trọng.
Ngoài ra, không có mục tiêu cũng khiến cho bạn không thể đo lường sự tiến bộ qua từng nỗ lực và cố gắng của mình. Mục tiêu giúp bạn cảm thấy mình đang đạt được điều gì đó. Khi không có mục tiêu, bạn sẽ khó cảm nhận được sự tiến bộ hay thành công, dẫn đến cảm giác nỗ lực của mình là vô nghĩa.
Chẳng hạn như việc bạn đang cố gắng học thật nhiều kỹ năng khác nhau để trở thành ứng viên sáng giá trên thị trường tuyển dụng, song bạn lại không có mục tiêu và kế hoạch về lĩnh vực cụ thể mình muốn phát triển. Kết quả là, dù nỗ lực rất nhiều, bạnkhông biết mình đang phát triển tới đâu, dẫn đến cảm giác mệt mỏi và bối rối, vì không nhận thấy sự liên kết giữa cố gắng của mình và một đích đến cụ thể.
Thiếu kỹ năng và kiến thức cần thiết
Hãy tưởng tượng rằng bạn là một lập trình viên mới vào nghề và có niềm đam mê cũng như luôn sẵn sàng dành nhiều giờ làm việc để phát triển một ứng dụng phần mềm. Bạn rất chăm chỉ và nỗ lực, nhưng lại thiếu một số kỹ năng về lập trình, thiết kế hệ thống, các công cụ phát triển phần mềm, v.v. Vì vậy, mặc dù làm việc rất chăm chỉ nhưng kết quả cuối cùng là ứng dụng không hoạt động hiệu quả và vẫn chứa nhiều lỗi.
Đây cũng là một trong những lý do phổ biến khiến cho những cố gắng của bạn có thể trở nên vô nghĩa. Khi không có đủ trang bị về kỹ năng và kiến thức chuyên môn, dù có cố gắng đến đâu thì cũng khó đạt được kết quả như mong đợi. Chính vì thế mà việc không ngừng học hỏi và nâng cao kỹ năng sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn và tự tin đạt được các kết quả tốt hơn trong công việc.
Quản lý thời gian kém
Có nhiều người đi làm thường dồn hết các nhiệm vụ đến gần sát deadline mới làm, mà không có sự phân chia và lên kế hoạch thực hiện cụ thể. Kết quả là có những ngày rất thư thái, nhưng lại có những ngày làm việc “bù đầu bù cổ” mà hiệu suất công việc lại không được tốt. Những lúc như thế họ rất dễ cảm thấy nỗ lực của mình dường như hoàn toàn vô nghĩa.
Tuy nhiên có một sự thật là khi quản lý thời gian kém, bạn sẽ gặp phải những tình huống như bị phân tán sự chú ý và làm việc không hiệu quả, có cảm giác áp lực và căng thẳng khi quá nhiều đầu việc cần hoàn thành, không thể hoàn thành công việc đúng thời hạn, v.v. và còn vô vàn trường hợp xấu khác. Do đó, nếu không biết cách sắp xếp công việc theo thời gian một cách hợp lý, bạn sẽ cảm thấy thiếu cân bằng, không hiệu quả và uổng công vô ích. Điều này chứng tỏ rằng bạn cần học cách quản lý thời gian sao cho hiệu quả, để vừa làm việc năng suất lại vừa dễ đạt được các kết quả tốt hơn.
Không có sự tiến bộ và thăng tiến
Trong một vài giai đoạn khi bạn đã có mục tiêu rõ ràng, có đủ kỹ năng và kiến thức quan trọng cũng như khả năng quản lý thời gian hiệu quả, nhưng bạn vẫn cảm thấy mọi thứ trở nên vô nghĩa. Đó là lúc bạn nhìn nhận được mình chưa thực sự tiến bộ và thăng tiến, dù đã rất nỗ lực. Cảm giác này là một trạng thái rất dễ hiểu, bởi khi không nhận thấy các cơ hội để phát triển, động lực cũng rất dễ bị giảm sút.
Vào những lúc như thế, bạn cần chuyển đổi tư duy và cảm nhận của mình theo hướng tích cực hơn. Đôi khi có những quá trình cần nỗ lực và kiên trì trong thời gian rất dài. Do đó, có thể bạn chưa nhìn thấy thành tựu ngay lập tức, nhưng chắc chắn chỉ cần bạn nỗ lực, bạn sẽ đạt được một kết quả tốt trong tương lai. Như câu châm ngôn rất phổ biến là: Good things take time – Những thứ quý giá luôn cần có thời gian.
Không được ghi nhận và đánh giá đúng
Không còn gì tệ hơn việc một người nhân sự luôn làm việc chăm chỉ nhưng không được cấp trên công nhận và đánh giá đúng. Khi những nỗ lực của nhân viên không được công nhận, người đó sẽ cảm thấy mình không được trân trọng và bị đối xử bất công. Từ đó làm giảm động lực cố gắng của họ và khiến người đó không còn muốn cống hiến hết mình cho công việc.
Tựa như một người nhân viên luôn hoàn thành các dự án đúng hạn và đạt được kết quả xuất sắc. Tuy nhiên, cấp trên lại không bao giờ công nhận những thành quả đó hay khen thưởng, người đó sẽ không biết mình đang đi đúng hướng hay không, có những điểm nào cần phát huy hoặc cần cải thiện nên rất dễ dẫn đến sự mất phương hướng trong công việc. Do đó, nếu không được đánh giá đúng, người đó chắc chắn sẽ cảm thấy những nỗ lực từ trước đến nay là vô nghĩa.
Suy cho cùng thì việc nhận diện được những lý do khiến cho nỗ lực của mình bị xem là vô nghĩa sẽ rất quan trọng, để từ đó bạn có thể đưa ra các biện pháp khắc phục phù hợp. Đặc biệt là với 05 lý do phổ biến nêu trên, bạn cần tập trung nhiều hơn vào việc thiết lập mục tiêu rõ ràng, nâng cao kỹ năng, quản lý thời gian hiệu quả, v.v. bạn sẽ thấy những cố gắng của mình được đền đáp xứng đáng.