• Blog nhân sự +
  • Trước Trong Và Sau Phỏng Vấn +
  • Kỹ Năng Mềm +
  • Tin tức khác +

Thống kê truy cập

79009
Tổng số truy cập:79009
Khách đang online: 80
Thử việc không khó, cần nhớ những gì?
Ngày đăng tin: 25/11/2019 21:31

I. Tuyệt đối tuân thủ nội quy công ty

Đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng, ắt hẳn bạn cũng sẽ không hài lòng chút nào khi ứng viên thử việc của mình liên tục đi làm muộn dù mới chỉ tới công ty chưa được một tuần. Chúng ta đều biết rằng ấn tượng đầu tiên rất quan trọng nên việc vi phạm nội quy khi ở giai đoạn thử việc là điều hết sức tối kỵ. Không chỉ vậy, mỗi công ty còn có những văn hóa riêng, những quy luật bất thành văn mà bạn nên ghi nhớ để thể hiện mình là một người nhạy bén, biết quan sát và tự cải thiện bản thân.

II. Luôn có thái độ tích cực

Trong mỗi bản thông báo tuyển dụng, rất nhiều công ty chấp nhận những ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm để đào tạo. Nhưng bù lại, bạn – ứng viên thử việc nên có những biểu hiện tích cực trong công việc, tránh tình trạng chán nản uể oải. Nhà tuyển dụng sẽ không thể tin tưởng bạn cho tới hết thời gian thử việc nếu những gì bạn thể hiện không thể đáp ứng những chuẩn mực cơ bản nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng nên làm quen với những người cùng phòng, cùng bộ phận vì rất có thể trong tương lai đó sẽ là những đồng nghiệp, đồng đội sát cánh bên bạn khi trở thành nhân viên chính thức. Cùng với đó, hạn chế xích mích, tranh cãi với mọi người trong công ty cũng là một cách để duy trì nguồn năng lượng tích cực của bạn. Hãy học hỏi, khiêm tốn và thể hiện quan điểm của mình một cách nhẹ nhàng và thuyết phục.

III. Tìm hiểu thật rõ về công ty

Nghe có vẻ vô lý, nhưng thực chất có không ít những ứng viên đã bỏ cuộc trong thời gian thử việc. Nó xuất phát từ việc không tìm hiểu rõ về công ty, quá chủ quan về khả năng hoặc thế mạnh của bản thân khi đã có một kết quả phỏng vấn khả quan. Đồng thời, trong quá trình thử việc, bạn hoàn toàn có thể nắm bắt được cách hoạt động của mọi người hoặc cấp trên của mình, góp phần cho việc thích nghi với môi trường làm việc cũng như đưa ra các ý tưởng một cách hiệu quả nhất. Nhà tuyển dụng sẽ rất hài lòng với một ứng viên có tính chủ động, linh hoạt, khéo léo và quá trình thử việc có thể vì vậy mà được rút ngắn hơn so với dự kiến.

IV. Thời gian cực kỳ quan trọng

Trong giai đoạn thử việc, bạn nên tuyệt đối tránh việc đi sớm về muộn hoặc nghỉ phép quá nhiều. Mỗi công ty chỉ cho bạn thử việc từ 1 – 2 tháng nên hãy tận dụng tối đa khoảng thời gian này để chứng tỏ bản thân, thể hiện mình là một nhân viên hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu của công việc một cách dễ dàng. Nếu không có lý do quá nghiêm trọng, bạn không nên xin nghỉ phép trong thời gian này. Đồng thời, tới công ty quá giờ chấm công và ra về quá sớm cũng là một điều tối kỵ, dù bạn có là nhân viên chính thức đi chăng nữa. Chưa cần xét đến hiệu quả công việc, mọi người hoàn toàn có thể đánh giá được thái độ làm việc chưa tốt của bạn và từ đó có thể đưa ra quyết định bạn có thể trở thành một nhân viên chính thức hay không.


 

V. Làm việc như không phải thử việc

Đừng ngại ngần khi cấp trên giao việc cho bạn. Đó hoàn toàn là cơ hội để mọi người thấy bạn có khả năng làm việc như một nhân viên chính thức. Hãy luôn cho mọi người thấy bạn là một nhân viên tiềm năng, tự tin và hạn chế mắc sai lầm trong khả năng, đừng tự cho rằng mình là người mới không có kinh nghiệm từ đó sinh ra tâm lý thụ động trong công việc. Xa hơn, khi hoàn thành tốt những công việc được giao đúng thời hạn, bạn đã góp phần xây dựng hình tượng của mình trong mắt cấp trên và tất nhiên cả với những “đồng nghiệp tương lai” nữa.

VI. Đừng đòi hỏi quá nhiều

Ở một công ty mới, khi bạn chưa quen với môi trường cũng như chưa có đủ sự kết nối với con người, không nên thể hiện thái độ đòi hỏi hoặc yêu cầu thay đổi trong cách làm việc hiện tại. Trước khi đưa ra các ý kiến xây dựng hay đề xuất về quyền lợi, bạn hãy tìm hiểu thật kĩ quy trình làm việc, văn hóa công ty để có thể đưa ra các phát ngôn phù hợp. Giai đoạn thử việc chính là lúc để bạn sử dụng khả năng quan sát, thích nghi, tự cải thiện chính mình cho phù hợp với môi trường mà bạn đã chọn.

Tùy vào khả năng của mỗi người, giai đoạn thử việc có thể trôi qua dễ dàng hoặc khó khăn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng để qua được khoảng thời gian này, mỗi ứng viên đều phải trải qua một quá trình cố gắng học hỏi, quan sát, tự cải thiện bản thân một cách thật sự nghiêm túc. Hy vọng qua vài lưu ý nhỏ trên đây, bạn có thể rút ra cho mình những kinh nghiệm cần thiết trên con đường trở thành nhân viên chính thức ở công ty mà bạn hằng mong muốn.

Số lượt đọc: 409 -